Nguy cơ lãng phí nguồn lực, tài sản công
|
Ngành thuốc lá có các đầu mối sản xuất lớn trong ngành đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và đang tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người. |
“Ngành thuốc lá có một đặc điểm khác với các ngành khác là các đầu mối sản xuất lớn trong ngành đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do đó tác động đến các doanh nghiệp trong ngành cũng tác động đến hiệu quả đầu tư vốn nhà nước và nguồn thu ngân sách nhà nước”, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - VCCI từng chia sẻ tại một hội thảo hồi tháng 11 năm ngoái.
Ngành công nghiệp thuốc lá đang tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người, bao gồm công nhân nhà máy, nông dân trồng thuốc lá và các ngành nghề phụ trợ. Nếu thuế TTĐB tăng mạnh, sản lượng thuốc lá hợp pháp dự kiến sẽ giảm từ 30-36% vào năm 2030, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (NIF).
Việc giảm sản lượng sẽ kéo theo cắt giảm lao động đã được đào tạo, đặc biệt là nông dân, trong khi, nhiều gia đình nông dân trồng thuốc lá phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu nhập từ ngành này. Họ sẽ không kịp chuyển đổi ngành nghề nếu chính sách tăng thuế được triển khai mà không đi kèm hỗ trợ chuyển đổi.
Ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ về tình hình thực tế vùng trồng cho biết, hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận.“Chúng tôi cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó”, ông Vi Nông Trường chia sẻ.
Song song đó, khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, thuốc lá lậu sẽ càng dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, đặc biệt ở các vùng biên giới. Theo PwC, nếu thuế TTĐB tăng quá cao, thuốc lá lậu tại Việt Nam có thể đạt tới 50 tỷ điếu vào năm 2030, gây thất thu ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm. Còn theo NIF thì thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên đến 230% vào năm 2030 nếu áp dụng phương án 2 của dự thảo.
Bài học từ Malaysia là minh chứng rõ ràng cho những hệ lụy kéo theo, sau khi nước này tăng thuế TTĐB giai đoạn 2014-2015, thị phần thuốc lá lậu đã tăng vọt lên 64% vào năm 2020, khiến ngân sách thất thu nghiêm trọng. Tình trạng buôn lậu không chỉ làm tăng nguồn cung thuốc lá rẻ mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm khác, làm gia tăng bất ổn xã hội.
Với quy mô thuốc lá lậu được dự đoán sẽ tăng mạnh sau khi thuế tăng nhanh và đột ngột theo mô hình của PwC hay từ thực trạng tại Malaysia, có thể thấy sẽ cần đến một chi phí lớn để gia tăng công tác đấu tranh với làn sóng buôn lậu ồ ạt. Chưa kể, thất thu thuế do thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5 - 6 nghìn tỷ đồng hiện tại (theo mô hình của PwC). Tất cả đều gây ra sự lãng phí.
Nếu tăng thuế sốc, khả năng cao người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu - một loại có chứa nhiều chất độc hại gấp nhiều lần. Trong thuốc lá lậu có chứa hàm lượng coumarin rất cao. Đây là loại chất độc hại, dùng trong thuốc diệt chuột và gây ra những tác hại nghiêm trọng đến gan, bàng quang, tim mạch, tăng nguy cơ ung thư và đã bị Bộ Y tế đưa vào danh sách chất cấm dùng trong thực phẩm. Khi người tiêu dùng chuyển đổi sang thuốc lá lậu chứa nhiều chất cấm do giá thuốc lá hợp pháp tăng cao đột biến thì hệ quả tăng chi phí y tế để xử lý là rất lớn.
Một ví dụ từ Malaysia cho thấy, Chính phủ Malaysia và khu vực tư nhân phải chi từ 7 tỷ đến 8 tỷ RM mỗi năm để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, mà trong đó thuốc lá lậu chiếm phần lớn thị trường thuốc lá ở Malaysia.
GS.TS Đặng Đình Đào từng nhận định rằng, việc tăng thuế sốc tuy có thể mang lại nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ kéo theo sự suy giảm tiêu dùng, tăng giá cả hàng hóa và làm giảm sức mua. Hệ quả là nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ giảm tốc, trái ngược với mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, thuốc lá không chỉ là một ngành công nghiệp mà còn liên quan đến nhiều chuỗi giá trị khác như vận tải, bán lẻ và nông nghiệp. Việc ngành này suy giảm sẽ tác động dây chuyền, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành kinh tế khác.
Cần phương án và lộ trình tăng thuế hợp lý để hài hòa các mục tiêu
Thay vì tăng thuế quá cao và đột ngột, nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức như VCCI, PwC cùng các Đại biểu Quốc hội đề xuất một lộ trình tăng thuế hợp lý hơn để vừa đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội và lợi ích cho người dân, Nhà nước cùng doanh nghiệp hợp pháp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng gợi ý tăng theo 2 đợt, trong khoảng thời gian giữa hai lần tăng thuế thì tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vấn đề cần tuyên truyền, cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất một lộ trình tăng thuế tăng theo 2 đợt,tạo thuận lợi để tăng cường tuyên truyền cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị. |
Trước đó, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện.
Theo ông Nghĩa, việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần, Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.”
Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là một chính sách cần thiết để kiểm soát tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện một cách cẩn trọng, phù hợp với tình hình thực tế, chính sách này có thể kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng về kinh tế: thất thu ngân sách, lãng phí nguồn lực đến gia tăng buôn lậu và không đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá thực tế tại Việt Nam của Chính phủ.
Vì thế, theo các chuyên gia, chính phủ cần xây dựng một lộ trình tăng thuế hợp lý, kết hợp với các biện pháp quản lý hiệu quả để vừa đạt được mục tiêu ngân sách vừa đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và an sinh xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là cần đưa ra những quyết sách một cách thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỉ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.
Thông tin từ phía Bộ Y tế, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam khoảng 0,9 USD, đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Với mức giá bán lẻ này, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, trẻ em và trẻ vị thành niên.
Tỉ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm trong khoảng từ 36,7-38,8%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 81,3%, Indonesia 63,5%, Singapore 67,5%, Malaysia 51,6%).
Trước những tác động của thuốc lá với sức khỏe và kinh tế, phía Bộ Y tế đề xuất phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam, xây dựng mức thuế đủ cao, liên tục mới có ý nghĩa giảm dần đều việc sử dụng thuốc lá.
Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của WHO cũng cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với thuốc lá là cần thiết. Tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.