Cơ chế xét xử hiện nay vô tình trao quá nhiều quyền cho cơ quan tố tụng trong xét xử mà thiếu cơ chế kiểm sát hiệu quả. Cơ chế giao cho chính các cơ quan gây ra án oan sai trách nhiệm tài phán và quyết định việc bồi thường; càng gây phiền lụy cho dân oan, thiệt hại cho nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau sáu năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết 204 vụ việc với số tiền bồi thường hơn 111 tỉ đồng. Tuy nhiên trong số đó chỉ có 22 vụ việc cán bộ công chức làm sai, đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả với số tiền chỉ 676 triệu đồng (hơn 0,5%).
Cá nhân làm sai, Nhà nước lại phải bồi thường
Riêng lĩnh vực tố tụng đã có tới 132 vụ việc do công chức “vô ý” mà Nhà nước phải bồi thường hàng chục tỉ đồng. Đơn cử như vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) thụ án tù oan 10 năm, đã được tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bồi thường hơn 7,2 tỉ đồng.
Sắp tới con số này chắc hẳn sẽ còn tăng rất nhiều vì chỉ riêng “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén với hơn 17 năm tù và hai bản án oan, số tiền bồi thường không thể thấp hơn ông Chấn.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, số tiền bồi thường ấy dù lớn đến mấy cũng không thể tương xứng với những đau khổ mất mát mà những người bị oan sai phải gánh chịu.
Dư luận không so bì ca thán về mức chi trả này, thậm chí còn mong muốn mở rộng thêm nhiều khoảng bồi thường khác bù đắp thêm cho những thiệt hại đau đớn của họ. Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao tiền hoàn trả của cán bộ công chức có hành vi sai trái lại chưa tới 0,5% chi phí bồi thường?
Nói cách khác, hơn 99% chi phí bồi thường này lại lấy từ ngân sách, tức là lấy từ tiền thuế của người dân. Những cán bộ có trách nhiệm đã hưởng lương của nhà nước, không hoàn thành trách nhiệm của mình, nhưng vẫn tiếp tục an hưởng, và người đóng thuế lại phải chi trả cho việc làm sai của họ.
Theo Luật, người thi hành công vụ phải hoàn trả ngân sách một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên luật lại quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Thế nên ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), đã nhận xét: “Mức bồi hoàn hiện nay là thấp, chưa có tác dụng răn đe”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc lại băn khoăn: “Dù có tăng mức hoàn trả cao lên cũng không thể bù được mấy chục tỉ mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường”.
Ông Ngọc đề xuất phải có chế tài về mặt chính trị, buộc dừng công tác, cho đi học bồi dưỡng nghiệp vụ khi cán bộ công chức gây ra oan sai. Biện pháp đó, theo ông Ngọc, còn “đau hơn, thấm vào đời nhiều hơn việc bị trừ đi mấy tháng lương”.
Làm thế nào tăng trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện công quyền, giảm oan sai cho người dân, là điều hết sức quan trọng để bảo đảm công lý, nâng cao hiệu lực pháp luật và công bằng cho người dân? Điều đó quan trọng hơn nhiều so với chi phí bồi thường thiệt hại.
Cần lập Tòa phá án
Giải pháp đề nghị của Thứ trưởng Ngọc rất đúng, phần nào sẽ tác động làm cán bộ có trách nhiệm hơn trong công việc, thế nhưng chưa giải đáp được toàn bộ những ách tắc, bất hợp lý hiện nay trong bồi thường oan sai, mà nhất là oan sai trong tố tụng.
Trước hết là việc xem xét giải quyết những vụ án bị nghi là oan sai, người dân thống thiết kêu oan, nhưng chưa được xem xét, hoặc đã được xem xét nhưng chỉ được các cơ quan tố tụng trả lời lấp lửng là “có sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.
Thậm chí có trường hợp như tử tù Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai, dấu hiệu oan sai đã rõ mười mươi, Viện trưởng VKSND Tối cao lẫn Chánh án TAND Tối cao đều kháng nghị hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu.
Trong các phiên xử lại, Ủy ban thẩm phán, rồi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đều không chấp nhận các kháng nghị này. Huỳnh Văn Nam đã chết bệnh trong thân phận một tử tù.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Vũ Đức Khiển, thời đó đã đến tận gia đình thắp nhang cho tử tù này và an ủi gia đình là: “Quan điểm anh Nam không phạm tội đã được các cơ quan tố tụng tối cao đồng ý. Thế nhưng luật pháp hiện hành lại không cho phép lật lại bản án của cơ quan xét xử cao nhất”.
Hiện nay chúng ta đang có Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng… là một số tử tù đang kêu oan, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã giám sát và lên tiếng một số vụ. Ngoài ra, nhiều vụ án đã hạ xuống chung thân vẫn kêu oan như Lê Bá Mai.
Vướng mắc ở đây, theo tố tụng, chính là quyền kháng nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nằm trong tay Chánh án và Viện trưởng tối ca; Hội đồng Thẩm phán, Ủy ban Thẩm phán; và những người này ít nhiều liên quan với nhau và liên quan đến bản án phúc thẩm.
Ra kháng nghị hoặc tuyên hủy một bản án phúc thẩm, ít nhiều các vị này đã va chạm với những người đồng cấp, đồng viện với mình và thậm chính ngay với trách nhiệm người đứng đầu của mình. Chính vì vậy, hiếm ai tự chặt tay mình, nhiều vụ kêu oan chỉ được thừa nhận khi có hung thủ thật sự lộ diện.
Nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án và Thẩm phán chỉ có thể thực hiện tốt trong hệ thống tòa án độc lập nhau. Ở một số nước như Pháp, có hệ thống Tòa phá án để xét lại những bản án chung thẩm của các tòa thượng thẩm và các tòa đại hình mà bị kháng nghị.
Tòa phá án không xét xử về nội dung sự việc, mà chỉ xem xét bản án bị kháng nghị về ba yếu tố để hủy án là: Có vi phạm pháp luật không; có vô thẩm quyền không; và có vô căn cứ pháp luật không.
Nếu xét thấy có một trong ba yếu tố nói trên, Tòa phá án sẽ tuyên hủy và trả về cho một cấp tòa án khác xét xử lại, Tòa phá án không có quyền giữ lại vụ án để xét xử. Đây là một kinh nghiệm cần tham khảo.
Nếu càng kéo dài cơ chế hiện nay thì có thể ngày càng có thêm nhiều Huỳnh Văn Nam, Nguyễn Thanh Chấn… và kinh phí bồi thường có thể ngày một tăng thêm.
Có nên giao trách nhiệm giải quyết bồi thường cho ngành Tư pháp?
Một bất hợp lý khác trong cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại, là luật lại giao trách nhiệm, quyền hạn giải quyết cho chính cơ quan gây ra thiệt hại. Điều này phát sinh thêm tình trạng chèo kéo giữa người bị oan sai và người giải quyết, mà thiệt thòi bất công thường nghiêng về phía dân.
Khi không thương lượng được, hai bên phát sinh tranh chấp, thì một lần nữa, quyền giải quyết lại thuộc về cơ quan tố tụng. Một lần nữa tổ chức đã làm sai, lại có trách nhiệm và quyền tự xử… chính mình.
Do sự “toàn quyền” đó nên khó tìm ra người cố ý thiếu trách nhiệm phải hoàn trả tiền cho ngân sách. Cũng do sự trùng lặp về quyền hạn trách nhiệm đó, nên việc xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho người oan sai phải kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, cơ quan này đổ cho cơ quan khác, người đòi bồi thường có thể bị hạch sách, chứng minh thiệt hại, mức bồi thường bị cắt xén chèo kéo…
Điển hình là vụ ông Phan Văn Lá (48 tuổi) sau 22 năm bị oan sai mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu.
Để tách bạch, tăng trách nhiệm với cán bộ, tiết kiệm ngân sách và giảm nhọc nhằn cho người bị oan sai, thiết nghĩ cần chuyển quyền và trách nhiệm bồi thường oan sai trong tố tụng cho tổ chức độc lập mà cụ thể là ngành Tư pháp. Cơ quan này sẽ xem xét khách quan mức bồi thường cho người dân cũng như trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ có trách nhiệm để thu hồi cho ngân sách./.