Có nên tin tưởng lời hứa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un?

(PLO) - Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những thay đổi trong chính sách ngoại giao của mình, thậm chí bày tỏ sự sẵn lòng đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ trước những hành động của nhà lãnh đạo này. Chẳng có gì chắc chắn vì bất cứ khi nào Triều Tiên cũng có thể thay đổi quyết định của mình. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un.

Theo Reuters, trong suốt 7 năm đầu lãnh đạo Triều Tiên từ năm 2011-2018, ông Kim Jong-un đã thử nghiệm gần 90 tên lửa đạn đạo và 4 thử nghiệm hạt nhân. Đồng thời, ông luôn từ chối gặp mặt các nhà lãnh đạo và mọi nỗ lực hòa giải từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Bắt đầu có những chính sách mềm dẻo

Chỉ vài tháng trước, thế giới dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng tình hình hiện giờ lại hoàn toàn ngược lại, Seoul và Bình Nhưỡng đang có kế hoạch công bố kết thúc chính thức của Chiến tranh Triều Tiên trong  Hội nghị Thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sắp tới.

Đặc biệt, Triều Tiên còn ngỏ ý sẵn lòng phi hạt nhân hóa. “Tôi không nghĩ việc phi hạt nhân hóa sẽ mang ý nghĩa khác nhau đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Triều Tiên bày tỏ sự sẵn lòng đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trước truyền thông hôm 19/4.

Theo ông Moon, Triều Tiên không đặt ra bất kỳ điều kiện nào khiến Mỹ không thể chấp nhận được, bao gồm yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì Triều Tiên mong muốn là chấm dứt chính sách thù địch chống lại Triều Tiên và tiếp theo đó là sự bảo đảm về an ninh. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương Hàn – Triều vì về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do chưa ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều.

Trước đó, trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ liên Triều. Trong chuyến đi đầu tiên của mình ở nước ngoài kể từ khi ông trở thành lãnh đạo của Triều Tiên, ông Kim đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm cải thiện quan hệ song phương. Ông cũng đã cử người em gái của mình là bà Kim Yo Jong làm đại diện tham gia Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018…

Chưa chắc chắn điều gì

Nếu không hòa giải và có những chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn, rất có thể trong vài năm tới Triều Tiên sẽ bị các nước trong khu vực và quốc tế đặt áp lực vô cùng khủng khiếp trên mọi mặt từ kinh tế, chính trị. Các đợt trừng phạt mới của Liên Hợp quốc (LHQ) với Triều Tiên đã chặn đứng các nguồn thu chính từ xuất khẩu than đá, lao động và vải của nền kinh tế bị cô lập và đang lao đao.

Không những thế, ông Kim Jong-un được cho là sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. 

Người có chức vụ cao nhất từng đào tẩu khỏi Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un mới đây đã tiết lộ tư duy của người từng là lãnh đạo tối cao của mình. Clive (tên được thay đổi để bảo đảm an toàn) tin rằng ông Kim Jong-un có thể thực sự muốn “làm lành” với Washington để cải thiện cuộc sống của 25 triệu dân Triều Tiên. Ông cũng tin người đứng đầu Bình Nhưỡng có thể sẽ đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lại một hiệp ước phòng thủ đa phương với 4 người hàng xóm có ảnh hưởng lớn nhất - Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - được LHQ phê chuẩn, được quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Trump xác nhận. Để đạt được thỏa thuận này, ông Kim Jong-un có thể còn không có ý kiến gì về việc Mỹ giữ lại 28.500 lính đang đóng ở Hàn Quốc.

Đối với các nước, những hành động gần đây của Triều Tiên là những bước đi đúng đắn, đảm bảo mong muốn hòa bình và đối thoại. Nhưng mặt khác, nhiều người tỏ ra nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán có lẽ chỉ nhằm làm chệch hướng, trì hoãn và nới lỏng các biện pháp trừng, đồng thời kéo dài thời gian để Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Những nỗ lực ngoại giao lớn, ngừng đưa ra các tuyên bố khiêu khích và đình chỉ thử vũ khí có thể khiến ông Kim tránh được các lệnh trừng phạt mới, giúp ông “câu giờ” để củng cố nền kinh tế nước nhà. Hiện các cuộc họp thượng đỉnh của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc chưa diễn ra và chưa ai chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp. 

Đọc thêm