Có nên tính chuyện 'giải cứu' hoa Tết?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù còn một tháng rưỡi nữa mới đến Tết nhưng Sở Du lịch TP HCM và cơ quan chức năng quận 8 đã tính chuyện sẽ thí điểm mua hoa Tết bị ế của tiểu thương tại bến Bình Đông để tránh cảnh đập hoa, chia sẻ khó khăn với người bán. Thông tin được đại diện Sở Du lịch TP HCM nói tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cứ mỗi dịp Tết, ở TP HCM sẽ có nhiều chợ hoa Tết, trong đó chợ hoa Tết trên bến Bình Đông họp ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ở quận 8 là nổi tiếng bậc nhất. Đa số ghe thuyền đều đến từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp... Các mặt hàng chủ yếu là hoa, cây kiểng trang trí dịp Tết.

Một vài năm gần đây, vào trưa 30 tháng Chạp, một số phương tiện truyền thông thường phản ánh việc tại một số chợ hoa nếu bán không hết, tiểu thương đập bỏ, cho xe rác dọn; chứ không muốn bị ép giá, bán rẻ.

Trước tình trạng này, đại diện Sở Du lịch cho biết hiện Sở và cơ quan chức năng quận 8 đang vận động kinh phí. Dự kiến, vào ngày 30 tháng Chạp, UBND quận 8 và MTTQ quận làm việc với các chủ ghe đưa hoa lên bán dịp Tết để thống nhất số lượng, giá cả. Việc mua hoa “giải cứu” sẽ được trải đều cho tất cả chủ ghe có mặt vào ngày tất niên. Hoa được thu mua kiểu “giải cứu” sẽ dùng trang trí đường hoa xuân nghĩa tình ở bến Bình Đông.

Theo đại diện Sở Du lịch, việc này giúp chia sẻ một phần khó khăn với các tiểu thương và hạn chế cảnh đập bỏ hoa ế, “gây phản cảm”. Nếu cách làm này hiệu quả, từ năm sau sở sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác.

Quan điểm của Sở Du lịch và cơ quan chức năng quận 8 là rất đáng hoan nghênh, vì đã nghĩ cho những người bán hoa vất vả một nắng hai sương. Nhưng kế hoạch này cũng nhận nhiều sự băn khoăn từ dư luận.

Trên một tờ báo điện tử, một bạn đọc nêu ý kiến: “Dưới góc độ kinh doanh, tôi không hiểu tại sao phải làm thế? Vì kinh doanh hoa Tết, nguyên lý cũng giống hệt như kinh doanh tôm, cá ở chợ. Đầu chợ, người ta bán giá rất cao, bù lại người mua được chọn những con to nhất, ngon nhất. Giữa buổi chợ thì giá vừa phải. Cuối chợ thì giá lỗ so với giá nhập, thậm chí gần như cho không, biếu không. Tuy nhiên, cả người bán, người mua đều thấy vui vẻ, không ai thấy bị chèn ép hay gì cả, đơn giản người ta hiểu nguyên tắc “tiền nào của ấy”. Và chẳng may có buổi chợ nào ế quá, thua lỗ họ vẫn chấp nhận vì đó là rủi ro trong kinh doanh”.

“Kinh doanh hoa Tết cũng phải theo nguyên tắc đó, hà cớ gì phải hứa hẹn “giải cứu”? Trong khi đầu vụ, một số người hét giá “trên trời”. Nên chăng nếu đã “giải cứu” thì phải kèm điều kiện niêm yết giá công khai, nghiêm cấm nói thách. Và còn rất nhiều người nghèo cũng phải lăn lộn kiếm tiền lo Tết, chiều 30 cố gắng lắm mong hoa hạ giá mới dám đi mua chậu hoa về chưng Tết cho đỡ tủi thân, chứ nay người bán nhất định không hạ, thì họ sẽ chẳng có chậu hoa nào trong nhà. Hoa tươi cũng phải tuân theo kinh tế thị trường, không nên hình thành thói quen “nông nghiệp giải cứu”.

Đó là còn chưa nói tới yếu tố hoa vào ngày giáp Tết thường đã không còn loại “hàng tuyển”, khi trang trí nơi công cộng liệu có làm nên cảnh đẹp hay thậm chí rơi vào cảnh “thà không trang trí còn hơn”. Rồi ngày giáp Tết người người, nhà nhà bận bịu trăm công ngàn việc công lẫn tư, mua bán “giải cứu” ra sao để mọi người không phân bì, không lộn xộn? Ý tưởng của Sở Du lịch và cơ quan chức năng quận 8 là rất hay, rất nhân văn; nhưng thực hiện thành công hay không thì còn phải chờ thực tiễn.

Đọc thêm