Có nên "Tư pháp hóa" triệt để?

Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tư pháp sáng qua tổ chức hội thảo 2 ngày "Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính (XLHC) khác".

Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tư pháp sáng qua tổ chức hội thảo 2 ngày "Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính (XLHC) khác".

Chỉ bắt buộc chữa bệnh với người nghiện ma túy

Cho đến nay, trong số 5 biện pháp XLHC khác đã được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở chữa bệnh và quản chế hành chính thì biện pháp quản chế hành chính được áp dụng đối với người có hành vi phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị bãi bỏ năm 2007. Khi nghiên cứu xây dựng Dự án Luật XLVPHC, thường trực tổ biên tập đã kiến nghị thay đổi tổng thể việc áp dụng các biện pháp XLHC khác.

Nội dung của giải pháp này sẽ được tiến hành theo hướng “tư pháp hoá” triệt để, tức là cơ quan hành chính nhà nước không tham gia vào quá trình xem xét ra quyết định đối với việc áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào trường giáo dưỡng, coi hai biện pháp này là biện pháp tư pháp trong pháp luật hình sự.

Đồng thời, chuyển biện pháp XLHC đưa vào cơ sở chữa bệnh thành biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật phòng, chống ma tuý, chứ không tiếp tục xem là biện pháp XLHC khác với ý nghĩa là chế tài trách nhiệm hành chính mang tính trừng phạt. Đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì giữ nguyên trong hệ thống pháp luật về XLVPHC và coi đó là chế tài XLHC nghiêm khắc nhất trong các hình thức XLVPHC.

“Đây là phương án tối ưu để tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra theo phương châm chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”, Phó vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn nhấn mạnh.

Giám đốc trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Mạnh Cường đồng tình với nhóm nghiên cứu về việc tách biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh ra khỏi các biện pháp XLVPHC. Ông Cường phân tích, việc áp dụng biện pháp XLHC đối với đối tượng này được xác định trên cơ sở “tình trạng nghiện” mà không phải trên cơ sở hành vi trái pháp luật xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội mà Nhà nước bảo vệ.

“Ngoài ra, pháp luật quy định thời hạn cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc là từ 6 tháng đến 2 năm, nhưng thực tế thì các nơi toàn áp dụng thời gian tối đa 2 năm. Cứ automatic như vậy là không bảo đảm quyền lợi cho người nghiện ma túy”, ông Cường bổ sung.

Tòa hành chính liệu gánh nổi?

Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Đặng Đình Luyến tán thành việc “tư pháp hóa” như đề xuất của tổ biên tập về lâu dài là hướng đi đúng. Ông Luyến dẫn chứng: “Quá trình xét đưa một người vào cơ sở giáo dục hay trường giáo dưỡng hiện quá đơn giản, dẫn đến nhiều trường hợp không bảo đảm dân chủ. Có trường hợp vợ chồng xích mích, vợ lợi dụng sự quen biết đẩy luôn ông chồng vào cơ sở giáo dục”.

Tuy nhiên, ông Luyến không khỏi lo ngại sự quá tải trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc điều tra, xét xử các vụ án hình sự hiện nay khi mà các cơ quan tư pháp trong hệ thống tố tụng tiếp tục đảm trách thêm việc xem xét, áp dụng biện pháp tư pháp .

Quan điểm của đại diện Tòa Hành chính TANDTC cho rằng, việc cải cách toàn diện vào thời điểm hiện nay là không phù hợp với thực tiễn của ngành tòa án. Cùng với điều kiện vật chất, số lượng cán bộ còn khiêm tốn thì năng lực của đội ngũ cán bộ ngành tòa án cũng là bài toán nan giải, chưa thể đảm đương ngay lập tức được nhiệm vụ nói trên.

Không những thế, việc xem xét quyết định áp dụng đối với hai biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục theo thủ tục tư pháp đòi hỏi cần thiết sửa đổi, bổ sung ngay cả về thể chế, thiết chế liên quan đến thẩm quyền, cơ cấu tổ chức hoạt động của cơ quan tòa án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng tâm sự: “Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, tôi thấy tòa hành chính ở đó gần như không có việc”. Vì vậy, cần phải mạnh dạn có đề xuất, kiến nghị cải cách, không nên tự “bó tay” mình trong phạm vi Hiến pháp năm 1992. “Khi áp dụng các chế tài hạn chế quyền hay đụng chạm đến tự do thân thể công dân thì chỉ có tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường quả quyết.

Hoàng Thư

Đọc thêm