Có nên xin tư vấn hôn nhân trên mạng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều người thường xem mạng xã hội là một kênh để bày tỏ nỗi niềm, thậm chí xin lời khuyên cho các vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, mạng xã hội luôn có hai mặt, đôi khi là lợi bất cập hại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những lời khuyên độc hại

Khi thấy chồng có những dấu hiệu bất thường như đi sớm về muộn, thường ôm điện thoại nhiều, tiêu tiền nhiều hơn bình thường, chị T.H.L., ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM vào một hội nhóm chuyên về tâm sự hôn nhân gia đình kể lại chi tiết những hành động của chồng và mối nghi vấn của mình. Sau đó chị đặt ra câu hỏi có phải chồng chị đã ngoại tình hay không, xin lời khuyên nên làm gì trong trường hợp này.

Trong số những bình luận, có không ít người khẳng định chồng chị “chắc chắn ngoại tình”. Có người còn nhận định, linh tính của phụ nữ là không bao giờ sai. Một số người đưa ra lời khuyên chị nên cài phần mềm theo dõi, đọc trộm tin nhắn của chồng, bắt nọn chồng để truy ra ngọn nguồn...

Tương tự, chị Nguyễn Kim H., ngụ Bến Lức, Long An cũng lên một hội nhóm dành cho phụ nữ mong nhận được lời khuyên. Chị H. chia sẻ, chồng chị thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình nhưng khá keo kiệt. Các ngày sinh nhật, lễ, Tết anh không bao giờ mua tặng vợ bất cứ món quà gì. Thậm chí, vợ mua sắm nhiều anh còn theo sát, tìm hiểu giá và cằn nhằn, khó chịu, khiến chị bị áp lực. Chồng chị cũng không bao giờ tặng quà cho nhà ngoại, bạn bè đến nhà cũng không mặn mà gì vì sợ tiếp đãi tốn kém. Chị H. cho biết, dù chồng tốt, nhưng tính cách ấy dần dà khiến chị mệt mỏi và giảm sút tình cảm dành cho chồng, khiến chị thấy xem thường chồng và không biết cuộc hôn nhân của mình sẽ đi đâu về đâu. Khi đăng tải câu chuyện của mình, chị H. nhận được nhiều lời khuyên khác nhau, trong đó có người nói rằng chị nên cố gắng thay đổi chồng, nhưng cũng không ít chị em cho rằng đàn ông như chồng chị là “bần tiện”, “không đáng mặt đàn ông”.

Có thể thấy nhiều trường hợp như thế trên mạng xã hội. Các chị em đăng tải chuyện riêng của mình trên mạng và chín người thì mười ý, họ nhận về vô vàn lời khuyên. Trong đó, có không ít lời khuyên nên xô đổ mái ấm, nên chia tay người bạn đời bởi vì “hết thuốc chữa”, vì cho rằng hôn nhân như thế là không cứu vãn được. Thậm chí không ít người đưa ra tấm gương của người phụ nữ khác hay bản thân, rằng sau khi ly hôn sống thảnh thơi, vui vẻ, hạnh phúc và hối tiếc không ly hôn sớm.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

Một trường hợp, sau khi bày tỏ tâm sự, nhận được nhiều lời khuyên đầy kích động trên mạng, chị vợ đã về nhà “nổi loạn”, làm lớn chuyện với nhà chồng nhằm tìm lại “sự công bằng” cho bản thân sau thời gian chị cảm thấy uất ức, chịu sự bất công. Những lời khuyên là phải đáp trả, phải mạnh mẽ lên, “ăn miếng trả miếng” đã khiến chị như được tiếp thêm dũng khí, có thêm chỗ dựa để phản đối “đối phương”. Kết quả là cuộc hôn nhân của chị tan vỡ, con cái phải xa nhau, đứa theo cha, đứa theo mẹ.

Một thời gian sau khi hôn nhân tan vỡ, lắng lòng lại và suy ngẫm, chị mới nhận ra cái sai của mình. Ngày ấy, những va chạm của chị với nhà chồng chỉ là những vụn vặt hàng ngày của những người lạ bỗng dưng phải sống chung với nhau mà chưa thể thích nghi. Chị chỉ nhìn thấy những trái tính, trái nết của cha mẹ chồng mà không chịu nhìn nhận rằng họ cũng có điểm tốt, cũng hết lòng hỗ trợ kinh tế cho hai vợ chồng, chăm sóc các cháu. Thay vì nhẹ nhàng tìm cách hóa giải những hiểu lầm, thậm chí có thể ra riêng để đôi bên tránh va chạm, chị lại làm theo những lời khuyên trên mạng, hả hê trút giận, để rồi hất tung mái ấm của mình, trong đó có người chồng tử tế và thương vợ con, chưa làm gì có lỗi với vợ.

Nhiều người, khi chia sẻ những chuyện riêng, những bức xúc của mình lên mạng xã hội, họ đều bày tỏ những cảm xúc riêng, viết lên câu chuyện theo lăng kính riêng của mình. Mà ai cũng thế, luôn có sự bào chữa cho bản thân. Thế nên, không tránh khỏi câu chuyện được kể lại có phần thiên lệch, thiếu khách quan. Những người đưa ra lời khuyên cũng dựa vào cảm xúc ấy, câu chuyện ấy để bình luận, khuyên bảo. Có những người tính cách nóng nảy, cái tôi quá lớn, nhận thức “có vấn đề” sẽ đưa ra những lời khuyên lệch lạc, đẩy sự việc đi quá xa.

Trong khi đó, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đằng sau những mâu thuẫn, những câu chuyện nghe có vẻ bức xúc còn có nhiều vấn đề khác. Đó là cái tốt của đối phương mà người kể chuyện lúc nóng giận không nhớ được; là những ngày tháng, những giây phút hạnh phúc của gia đình. Và, bát đũa trong chạn còn có lúc xô nhau, gia đình nào cũng có lúc chuyện này, chuyện nọ. Trừ những mâu thuẫn quá nghiêm trọng, không thể hóa giải, thì còn lại, đều có thể thẳng thắn sẻ chia, có thể từ từ dùng trái tim, dùng sự chân thành mà chuyển hóa.

Chia sẻ lên mạng là một cách để giải tỏa nỗi niềm, trút đi bực dọc. Nhưng, nếu thiếu bản lĩnh, để mạng xã hội dẫn dắt, thì chính là đẩy gia đình đến những nguy cơ lớn hơn.

Những mâu thuẫn có thể hóa giải, nếu những thành viên trong gia đình biết cách lắng nghe, biết cách giao tiếp, chia sẻ với nhau, thay vì nhờ đến mạng xã hội. Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình do Bộ VH,TT&DL ban hành có nói đến tầm quan trọng về giao tiếp vợ chồng trong hôn nhân. Theo Bộ tiêu chí, giao tiếp vợ chồng là chỉ báo quan trọng phản ánh đời sống tinh thần của các cặp vợ chồng. Điều này được thể hiện qua việc vợ chồng có thường xuyên giao tiếp với nhau không, các cách thức giao tiếp và sự chia sẻ, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung trong cuộc sống. Điều đầu tiên trong giao tiếp vợ chồng là sự biết lắng nghe nhau trong giao tiếp.

Dù là vợ hay chồng, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư, tình cảm của nhau. Sự giao tiếp hợp lý sẽ giúp tạo dựng được tình cảm tốt đẹp giữa vợ và chồng vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích từ cả hai phía. Sau khi đã đáp ứng nhu cầu chủ yếu đó, cả hai người có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề.

Đọc thêm