Cuộc sống đẹp chính ở sự dung dị rất đỗi đời thường. Vậy nên phồn hoa phố xá mãi người ta mới cứ tìm đến với những miền lãng du xa lắc. Nơi ấy có hoa lá cỏ cây, có nhứng thảm lúa xanh ngắt không bóng dáng của những dãy bê tông cao ngất lạnh lùng chọc lên bầu trời. Nơi mỗi sáng mai ngủ dậy không khí trong lành như hơi thở thanh tân, để hít hà căng lồng ngực rồi lẩn thẩn xem giọt sương mai là đà trên nhành cỏ dại. Đấy là nơi để tạm quên những ồn ã phố phường…
Lạ lắm là những nụ cười, cười với cả người chưa quen biết. Lạ là những lời xin lỗi mà đôi lúc chả phải lỗi của mình. Không phải họ bé mọn, họ nhà quê mà họ dung dị nhân ái và bao dung như đất.
Nên ở phố sẽ thành chuyện lạ, lạ lắm nếu có chuyện hai ông đi ô to va vào nhau, xuống bắt tay nhau, cười và tấp vào lề chống ách tắc giao thông mới cùng nhau giải quyết. Lạ lắm nếu ai đó dù mình không sai nhưng vẫn nhẹ nhàng nói một câu xin lỗi…
Phố phường cứ thế ngột ngạt trong khói bụi, cộ xe và ngột ngạt trong nỏng nảy, bực bội và thiếu vắng những nụ cười, những lời xin lỗi chân tình. Va chạm xe cộ đôi lúc chả chết, mà chết vì cái trợn mắt và mấy câu chửi thế…
Hiếm nhất và khó khăn nhất vẫn là những lời xin lỗi tự đáy lòng. Càng mắc lỗi lại càng khó nói ra lời xin lỗi. Càng ở địa vị cao thì lời xin lỗi nói ra lại khó khăn bội phần và nói vì sức ép dư luận, từ bản kiểm điểm đang chờ chứ không phải nói ra tự đáy lòng mình.
Chuyện có mới mẻ gì đâu, cổ như trái đất, nhưng sau bao lớp lang văn hóa, sau bao nhiêu bằng cấp đào tạo, sau bao nhiêu văn minh đô thị phố phường sao lời xin lỗi ngày càng khó thốt nên lời đến vậy?
Mấy nhà văn hóa hay đăng đàn giáo dục nhau trên báo chí hay dùng cụm từ “căn tính nông dân” để đổ tội xấu cho người nhà quê vì cho họ ít học nên cái gì cũng ẩm ương như thế. Xin thưa đừng đổ thừa cho họ, người quê họ dung dị, nhân ái và họ biết nói lời xin lỗi tự đáy lòng mình. Người nhà quê không thể “tha hóa” người đô thị mà chính sự đô thị hóa, văn minh đô thị càn quét đến đâu mới làm “tha hóa” người nhà quê đến đó.
Đôi khi quan chức đó đây làm nhiều việc sai lầm, thậm chí vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật nhưng lại vẫn “lăn tăn”, “lấn cấn” vì ngại nói ra một câu xin lỗi. Đúng là không thể bắt nhau xin lỗi như một mệnh lệnh hành chính. Xin lỗi kiểu này thốt ra xong lại chỉ càng thấy ấm ức. Lời xin lỗi chỉ có thể phat huy tác dụng của nó khi được bật ra từ một xúc cảm chân thành…
Có những cái cúi đầu không hề làm cho chúng ta bé lại. Thậm chí nó còn làm ta lớn hơn khi biết nhìn nhận lại chính mình…