Cổ phần hóa DNNN: Doanh nghiệp không còn cơ hội “ôm” nhiều đất?

(PLO) - Theo Dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (CTCP), khi phê duyệt phương án sử dụng đất (SDĐ) của DN cổ phần hóa (CPH), Nhà nước phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.
Với những quy định mới về chuyển DNNN thành CTCP, những vấn đề về đất đai sẽ được tháo gỡ ? (Ảnh minh họa)
Với những quy định mới về chuyển DNNN thành CTCP, những vấn đề về đất đai sẽ được tháo gỡ ? (Ảnh minh họa)

Hôm qua, 16/3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo giới thiệu về Dự thảo Nghị định mới về chuyển DNNN thành CTCP (thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định /2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định  116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015).

Bổ sung quy định về xử lý “đất vàng”  của các DN 

Liên quan đến đất đai, một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình CPH trong thời gian qua là xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất (SDĐ) trong giá trị DN CPH.

Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (nơi DN có diện tích đất được giao và thuê) công bố, DN CPH có trách nhiệm, tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật về đất đai. 

Đồng thời đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án SDĐ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án SDĐ của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN.

“Quy định phương án SDĐ của DN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị DN sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích SDĐ cũng như quy hoạch của địa phương…” - ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính khẳng định.

Theo ông Long, khi thực hiện phê duyệt phương án SDĐ của DN CPH, Nhà nước đã phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; những diện tích đất mà DN CPH được tiếp tục sử dụng đã được tính toán, hướng dẫn đảm bảo phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành, nếu là đất giao (chỉ áp dụng khi DN sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) thì đều phải xác định lại giá đất để xác định giá trị quyền SDĐ vào giá trị DN CPH là giá đất cụ thể sát với giá thị trường, nếu là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm cũng phải xác định lại là giá đất cụ thể sát với giá thị trường và nộp tiền thuê đất như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Phải tính đầy đủ giá trị lợi thế của đất khi CPH

Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để CPH nếu DN lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, theo quy định của pháp luật về đất đai khi Nhà nước định giá đất để cho DN nói chung và DN CPH nói riêng thuê đất phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường.

Riêng đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất kinh doanh (SXKD), thương mại và dịch vụ thì giá đất trong bảng giá đất của từng địa phương quy định phải bao gồm yếu tố có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế vị trí đất (địa phương phải quy định mức giá đất trong bảng giá đất đối với trường hợp này cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ quy định). 

Khi quyết định giá đất cụ thể để cho thuê đối với đất thương mại, dịch vụ tại đô thị trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lời đặc biệt, có lợi thế trong việc làm mặt bằng SXKD, thương mại và dịch vụ thì DN phải tính và nộp tiền thuê đất cho Nhà nước theo đơn giá thuê đất tăng theo tỷ lệ tối đa không quá 3% của giá đất tính thu tiền thuê đất do UBND cấp tỉnh quyết định (Nhà nước thu tiền thuê đất tính trên đơn giá cho thuê cụ thể với mức giá cao hơn giá đất trong bảng giá đất của địa phương quy định đã bao gồm lợi thế vị trí đất).

“Như vậy, đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà DN phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương….” - ông Long giải thích.

Đồng thời, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả SDĐ thuê trả tiền hàng năm, Dự thảo Nghị định quy định rõ CTCP được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và SDĐ của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp CTCP được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích SDĐ, CTCP phải thực hiện đấu giá quyền SDĐ và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích SDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN kỳ vọng, với những tháo gỡ quan trọng này, tiến trình CPH DNNN sẽ có những đột phá mới. 

Đọc thêm