Công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016: “Dàn đồng ca” PCI đã đồng đều

(PLO) - Tiếp tục dẫn đầu vị trí Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 lần thứ tư liên tiếp song khoảng cách giữa Đà Nẵng và địa phương đứng cuối bảng đã có sự thu hẹp, thấp kỷ lục 12 năm qua. 
TP Đà Nẵng nhiều năm liền giữ vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI
TP Đà Nẵng nhiều năm liền giữ vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc, đơn vị thực hiện PCI, qua 12 năm triển khai PCI, chất lượng điều hành của các tỉnh, thành tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện, “dàn đồng ca” PCI đã bắt đầu đồng đều… 

81% địa phương “vượt lên chính mình”…

Ngoài Đà Nẵng vẫn giữ vị trí quán quân liên tiếp 4 năm và là năm thứ 7 dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố, PCI 2016 đã chứng kiến sự bứt phá ngoại mục của nhiều địa phương. 

Với điểm số 70, Đà Nẵng đã “vượt lên chính mình”, cải thiện 1,66 điểm so với PCI 2015. Tiếp đến là Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm). Quảng Ninh tăng thêm 1 bậc và số điểm cải thiện 0,15 điểm, trong khi Đồng Tháp tuy tụt xuống 1 bậc nhưng cải thiện được 1,43 điểm. Bình Dương, Lào Cai và Vĩnh Long là 3 địa phương tiếp theo nằm trong nhóm “rất tốt” .

Tăng “khủng” đến 21 bậc, từ thứ 25 năm 2015, Bình Dương đã lên nhóm rất tốt với điểm số 63,57 điểm, tăng 4,68 điểm so với năm 2015. Tuy vẫn giữ vị trí thứ 5 nhưng điểm số của Lào Cai đã cải thiện 1,17 điểm, trong khi Vĩnh Long cũng có sự bứt phá ngoạn mục, từ vị trí thứ 19 lên vị trí thứ 6, tăng 3,27 điểm. TP HCM năm nay xếp ở vị trí thứ 8 (61,72 điểm), tăng 0,36 điểm so với năm 2015 nhưng do nhiều điạ phương bứt phá mạnh hơn nên tụt hạng 2 bậc so với năm 2015, tuy vẫn ở trong nhóm Tốt của bảng xếp hạng.

Đặc biệt, PCI năm nay chứng kiến sự bứt phá của Hà Nội khi địa phương này tăng đến 10 bậc, xếp thứ 14 trong Bảng xếp hạng, và lần đầu tiên lọt vào nhóm Tốt trong 12 năm công bố PCI.

Bình Định sau 3 năm nằm trong nhóm khá đã vươn lên nhóm tốt với điểm số 60,24 điểm, tăng 1,01 điểm so với năm 2015, tăng 2 bậc lên vị trí thứ 18 so với xếp hạng năm 2015.

Đứng cuối bảng, thuộc nhóm thấp vẫn là Lai Châu và Cao Bằng, trong khi Cao Bằng mất 1,45 điểm, tụt từ thứ hạng 58 năm 2015 xuống thứ 63 thì Lai Châu đã có sự cải thiện điểm số đáng khích lệ, tăng 0,69 điểm lên 53,46 điểm, đứng vị trí thứ 62.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, PCI 2016 đã ghi nhận 81% địa phương đã có sự bứt phá vượt lên chính mình. Một điểm đáng ghi nhận trong PCI 2016 là các tỉnh thuộc nhóm cuối hạng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách rất ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua.

Bên cạnh đó là xu hướng cải thiện điểm số PCI của 5 TP trực thuộc TW. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng. Năm nay, điểm số PCI của Cần Thơ đạt 61,14 điểm, xếp thứ 11/63 63 tỉnh, TP tại Việt Nam.

“Tại báo cáo PCI 2016 lần này, không chỉ nổi lên những “ngôi sao” cải cách như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương… mà báo cáo còn ghi nhận sự cải cách bứt phá và sáng tạo của nhiều tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng. Cùng với đó, các thành phố kinh tế lớn như Hà Nội, TP HCM thường bị than phiền về sức ì những năm trước cũng đang bắt đầu những chuyển động bứt phá của người khổng lồ với nhiều giải pháp quyết liệt và nóng bỏng. Việc cải thiện quản lý điều hành và nâng cao năng lực cạnh tranh đang diễn ra sôi động trên cả nước khiến cuộc đua này đang trở nên hấp dẫn và thú vị hơn bao giờ hết. Việc khép lại khoảng cách của cuộc đua giữa nhóm “ngôi sao” với nhóm cuối bảng năm 2016 đã cho thấy “dàn đồng ca” PCI đã đồng đều hơn và động lực cải cách từ PCI đã thực sự lan tỏa…”, ông Lộc nói.

Nhiều cải thiện rõ rệt

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006- 2016 đã ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ DN.

Theo đó, đối với lĩnh lực gia nhập thị trường: Nếu năm 2006, một DN tại tỉnh trung vị trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập DN thì nay chỉ mất 7 ngày, mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI. Tỷ lệ DN phải chờ hơn một tháng để chính thức đi vào hoạt động đã giảm một nửa, từ 26% xuống còn 13%.

Đối với lĩnh vực đào tạo lao động, sau những sụt giảm vào năm 2008, mức độ hài lòng với chất lượng đào tạo lao động đã dần tăng trở lại. Năm 2016, 47% DN tại tỉnh trung vị hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông của địa phương (so với 35% năm 2008). Đồng thời, 33% cho biết họ hài lòng với chất lượng đào tạo dạy nghề (so với 19,8% năm 2008).

Với tính năng động, ba chỉ tiêu đánh giá tính năng động của chính quyền địa phương từ năm 2006 tới nay ghi nhận những biến chuyển khả quan. Tỷ lệ DN tại tỉnh trung vị đồng thuận với nhận định: “Chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” đã tăng từ 47% năm 2011 lên đến 57% năm 2016. Hiện tại, 70,5% DN tại tỉnh trung vị cho biết: “Tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, cao hơn 10% so với mức thấp kỷ lục của chỉ tiêu này vào năm 2011. Tỉ lệ DN cho biết, “chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân” đã tăng thêm hơn 9 điểm phần trăm (44%) so với mức thấp kỉ lục của năm 2015. 

Còn đối với dịch vụ hỗ trợ DN, phân tích sự thay đổi qua chuỗi thời gian cho thấy các dịch vụ hỗ trợ DN như tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật và tìm kiếm đối tác đang dần được cải thiện về chất lượng lẫn số lượng. Tuy vậy, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại và các dịch vụ về công nghệ vẫn cần những chính sách khuyến khích để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường này nhiều hơn.

Khảo sát ý kiến DN về 10 địa điểm hấp dẫn đầu tư nhất đối với các DN dân doanh Việt Nam, 10 địa phương được DN lựa chọn là TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ, Lao Cai, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng và Khánh Hòa. Đáng chú ý, lý do DN chọn các là do cơ sở hạ tầng và chất lượng điều hành của các địa phương này. Trong số 10 địa phương được DN lựa chọn thì Đà Nẵng vẫn đứng đầu bảng với 66,3%, DN cho biết đó là vì chất lượng điềi hành, trong khi 54,7% chọn vì cơ sở hạ tầng. “Điều này cho thấy dù địa phương không có lợi thế về hạ tầng vẫn có thể thu hút được đầu tư nhờ chất lượng điều hành…”, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý. 

Đọc thêm