Cổ phần hóa EVNGENCO3: “Cuộc chiến” căng thẳng của 4 nhà đầu tư quốc tế

(PLO) - Chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hạn đăng ký cho các nhà đầu tư muốn sở hữu cổ phần của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3). Đây được đánh giá là một trong những cổ phiếu tiềm năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi  Tổng Công ty (TCT) này đang cung cấp sản lượng điện đứng thứ 2 trong hệ thống, chỉ sau công ty mẹ (EVN). 
EVNGENCO3 có nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư
EVNGENCO3 có nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư

Giữ nguyên vốn chủ, tăng vốn điều lệ

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, EVNGENCO3 là TCT hàng đầu của EVN, cung cấp 17% sản lượng điện toàn quốc, sở hữu quy mô công suất lớn thứ 2 trong hệ thống, chỉ sau công ty mẹ. Cơ cấu phát điện của EVNGENCO3 cũng đa dạng, bao gồm cả tua - bin khí, nhiệt điện than và thuỷ điện, có khả năng tham gia thị trường điện rất linh hoạt. 

“Đặc biệt, đa số các nhà máy điện của EVNGENCO3 đều ở khu vực có sản lượng tiêu thụ điện lớn nhất trên cả nước, cũng đồng thời là nơi có nguy cơ thiếu điện lớn nhất - đây chính là lợi thế thu hút lớn của TCT này” - ông Tri khẳng định.

Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, việc cổ phần hóa của EVNGENCO3 khác biệt hoàn toàn so với các đợt cổ phần hóa trước đây. Cụ thể, EVNGENCO3 sẽ giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại DN, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo ông Tri, phương án này là cách để tạo nguồn lực, giảm tỷ lệ nợ, khiến vốn chủ sở hữu EVNGENCO3 nhỏ hơn 3 lần. Đồng thời đây cũng là điều kiện để EVNGENCO3 vay vốn đầu tư các dự án điện mới cho các chiến lược phát triển lâu dài của TCT và có thể trả nợ 1 phần các khoản nợ vay nước ngoài của các dự án, góp phần giảm nợ của EVN cũng như giảm nợ công của Chính phủ do một số khoản vay do Chính phủ bảo lãnh. 

Tuy nhiên, “Thủ tướng cũng yêu cầu, sau cổ phần hóa 3 năm, tức là từ năm 2020, EVN phải báo cáo Thủ tướng để xem xét việc giảm cổ phần của EVN từ 51% xuống còn dưới 50%” - ông Tri thông tin. 

Ông Đinh Quốc Lâm, Tổng Giám đốc EVNGENCO3 cho biết việc IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) sẽ được diễn ra tại Sở GDCK TP HCM (HoSE) theo phương thức bán đấu giá công khai với giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phần. 

Theo thông tin đã phát đi từ EVNGENCO3, ngày 01/02/2018 là hạn cuối cùng để các nhà đầu tư có thể đăng ký mua cổ phần của EVNGENCO3; hạn bỏ phiếu đấu giá là ngày 07/02 và ngày 09/02 sẽ tiến hành đấu giá. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện sau khi IPO.

“Cuộc chiến” của 4 nhà đầu tư chiến lược

Cũng theo thông tin từ ông Đinh Quang Tri, hiện có 4 nhà đầu tư tầm cỡ thế giới đều đã đăng ký mua trọn 36% cổ phần, dự kiến sẽ tiến hành đấu giá vào ngày 15/3/2018, sau khi tiến hành đàm phán các thỏa thuận vào ngày 09/3/2018. Tên tuổi các nhà đầu tư chiến lược không được tiết lộ nhưng ôngTri cho biết các nhà đầu tư này đều là những công ty tầm cỡ về sản xuất điện trên thế giới. 

Cụ thể, nhà đầu tư từ Ấn Độ có công suất trên 10.000 MW, đầu tư mỏ than tại Indonesia, Australia; Nhà đầu tư Thái Lan có kinh nghiệm trong phát triển tuabin phí, có dòng tiền mặt lớn; Nhà đầu tư Trung Đông đã có “nghiệp vụ” chuyên đầu tư mua nhà máy điện trên thế giới và mới đây mua nhà máy trên 800 MW ở Indonesia. Còn nhà đầu tư Hàn Quốc cũng là một nhà đầu tư có tiềm năng tài chính, đã đầu tư dự án máy điện trên thế giới và đang làm một dự án BOT ở Việt Nam. 

Trả lời câu hỏi về việc triển vọng bán 36% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và IPO 12,8% cổ phần, ông Đinh Quốc Lâm, Tổng Giám đốc EVNGENCO3 khẳng định, khả năng bán hết 100% lượng cổ phần phát hành rất cao vì 4 nhà đầu tư chiến lược đều đã đăng ký mua hết 36%, đây sẽ là cuộc chiến căng thẳng cho các nhà đầu tư cũng như của EVNGENCO3. 

Ông Lâm cho biết, cổ phần hóa EVNGENCO3 có thêm một điểm đặc biệt nữa (ngoài việc giữ nguyên vốn chủ, phát hành thêm vốn điều lệ) là việc các nhà đầu tư chiến lược cũng có thể tham gia đấu giá IPO. Do đó, tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư chiến lược có thể lên đến gần 49%. Với số lượng cổ phần sở hữu lên tới 49%, ngay từ đầu nhà đầu tư chiến lược đã có thể có quyền phủ quyết và tham gia vào HĐQT của TCT. 

“Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu xảy ra, EVNGENCO3 không thể bán hết số lượng cổ phần dự định, EVN sẽ chuyển TCT thành công ty cổ phần, sau đó phát hành tiếp cổ phiếu để huy động vốn. Mục tiêu thành lập các GENCO 3 là nhằm có đủ năng lực tài chính đầu tư các dự án điện lớn, như dự án điện Long Sơn cần 4 tỷ USD đầu tư. Phải có năng lực tài chính tốt mới làm được”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định. 

EVNGENCO 3 dự kiến có thể thu về khoảng 25.000 tỉ đồng sau đợt bán cổ phần lớn này, trong đó EVNGENCO3 có thể giữ lại 49%. “Khoản tiền này có thể giúp TCT thanh toán một số khoản nợ lãi suất cao. Khi trả được nợ và thu hút được thêm vốn chủ, sẽ giảm được số nợ, đồng thời giảm tỉ lệ nợ với vốn chủ sở hữu, giúp cân đối tài chính” - ông Lâm khẳng định. 

Đọc thêm