Cổ phần hóa gắn với phát triển thị trường chứng khoán

(PLO) - Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Hoàng Văn Thu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa (CPH) gắn với công tác phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN CPH được đăng ký giao dịch ngay sau khi hoàn tất việc bán cổ phần lần đầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm qua (15/12), Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức hội nghị giới thiệu những quy định mới về cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Thu cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các DNNN đã tổ chức triển khai thực hiện công tác sắp xếp, CPH và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống DNNN đang được thu gọn lại theo hướng: các DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, hoạt động công ích, an ninh, quốc phòng. 

“Có thể nói, công tác sắp xếp, CPH DNNN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường vốn, TTCK, thay đổi được cơ cấu quản trị DN...”, ông Thu nhận định.

Báo cáo của Cục Tài chính DN cho biết, lũy kế đến nay đã có 5.950 DNNN được sắp xếp, trong đó CPH là 4/460 DN và bộ phận DN, chiếm 75% tổng số DN thực hiện sắp xếp. Tổng hợp kết quả hoạt động của 350 DN sau CPH năm 2015 so với năm trước CPH cho thấy lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp NSNN tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng. Tính chung đến 31/12/2015, cả nước còn 778 DNNN và đến hết tháng 10/2016 còn 718 DNNN.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Tài chính DN đã phổ biến Thông tư 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phổ biến quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo Nghị định 145/2016/NĐ=CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ. Đại diện của Sở GDCK Hà Nội hướng dẫn DN các thủ tục về đấu giá và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường UPCoM tại Sở GDCK Hà Nội. 

Bộ Tài chính và các DN cũng đã có nhiều trao đổi về các quy định mới có liên quan, về những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và đồng thời, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp và kiến nghị để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách để trình cấp có thẩm quyền ban hành. 

Càng chậm niêm yết, phạt càng nặng

Theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, TTCK, hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn thì bị xử phạt  theo mức tăng dần theo thời gian chậm.

Cụ thể, chậm đến 1 tháng phạt 10- 30 triệu đồng: Từ 1- 3 tháng phạt 30-70 triệu đồng; từ 3- 6 tháng phạt 70- 100 triệu đồng; từ 6- 9 tháng phạt 100- 200 triệu đồng; từ 9- 12 tháng phạt 200- 300 triệu đồng; Không thực hiện hoặt chận trên 12 tháng phạt 300- 400 triệu đồng.

Nghị định đã có hiệu lực từ ngày hôm qua, 15/12/2016.

Đọc thêm