Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát 54 lãnh đạo DN tại Việt Nam (trong tổng số 1.154 lãnh đạo DN tại khu vực Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC) được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2016.
Đây là năm thứ 7 PwC thực hiện cuộc khảo sát này với tư cách là đối tác tri thức của Hội nghị thượng đỉnh các CEO DN APEC, với mục đích nâng cao nhận thức về những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và đầu tư trong khu vực. Hơn một nửa trong số tất cả người tham gia khảo sát là lãnh đạo các DN có doanh thu thường niên cao hơn 1 tỷ USD.
Động lực đến từ các Hiệp định thương mại
Khi hỏi về mức độ tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, các lãnh đạo DN tại Việt Nam lọt vào nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi có tới 50% cho rằng rất lạc quan và 48% cho rằng tương đối lạc quan.
So với các CEO tại những nền kinh tế khác thuộc APEC thì các CEO Việt Nam có xu hướng mở rộng đầu tư nhiều hơn trong năm tới. Vị thế trung tâm của Việt Nam trong các hiệp định thương mại khu vực cũng góp phần nâng cao triển vọng tăng trưởng. Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam mặc dù vào thời điểm hiện tại, khả năng TPP trở thành hiện thực đã giảm so với năm trước.
Các CEO tại Việt Nam đánh giá rằng tiến trình tự do hóa thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra nhanh hơn so với các CEO tại Mỹ và Nhật Bản. Họ cũng cho rằng nguồn nhân lực giá rẻ và có tay nghề là một động lực chính cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
“Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự hội nhập ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia khác trong khu vực đang chậm lại, dẫn tới việc các DN tại đó sẽ phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam đang trở thành một điểm đến không chỉ cho những nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển mà cả những nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.” Ông Johan Nyvene CEO, Công ty CP Chứng khoán TP. HCM nhận định.
Thị trường nội địa là điểm sáng
Mặc dù các chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn hơn trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và chính sách cởi mở với sở hữu nước ngoài đang làm Việt Nam ngày càng thêm hấp dẫn.
Trong bối cảnh đó, các CEO tin tưởng nhất vào khả năng tăng biên lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh trong nước khi có 41% CEO đồng ý với câu trả lời này trong khi chỉ có 19% CEO lạc quan vào khả năng tăng biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh quốc tế. 33% CEO cũng lạc quan với khả năng ra mắt sản phẩm / dịch vụ mới hoặc tham gia một ngành kinh doanh mới…
“Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự hội nhập ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia khác trong khu vực đang chậm lại, dẫn tới việc các DN tại đó sẽ phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam đang trở thành một điểm đến không chỉ cho những nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển mà cả những nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.” Ông Johan Nyvene CEO, CTCP Chứng khoán TP HCM nhận định.
Đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai
Mặc dù triển vọng tăng trưởng trong khu vực không chắc chắn, các CEO khu vực APEC vẫn tiếp tục đầu tư vào những nền kinh tế trong khu vực để “gieo mầm” cho tăng trưởng trong tương lai. Trong số những lãnh đạo DN phụ trách thị trường Việt Nam, 76% dự định sẽ tăng đầu tư trong năm tới - cao hơn so với mức 53% của các CEO trên toàn khu vực APEC.
Các tiêu chuẩn năng lực trong khu vực đang trở thành chuẩn mực cho các CEO tại APEC: 38% cho biết đối thủ hàng đầu của họ là một DN dẫn đầu khu vực APEC hoặc một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế mới nổi. Đây là dấu hiệu cho thấy môi trường cạnh tranh thu hút các dòng vốn đầu tư đang thay đổi. Chỉ 2 năm trước thôi, 41% các CEO tại APEC có đối thủ hàng đầu là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế phát triển.
Kết quả khảo sát cho thấy trung bình mỗi lãnh đạo DN APEC đang đầu tư vào 7 nền kinh tế APEC khác. Trong khi các CEO khu vực APEC cho rằng 4 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại APEC đối với họ là: Môi trường pháp lý, chính sách (quy định minh bạch, ít tham nhũng); Thị trường nội địa có quy mô tăng; Nguồn nhân lực có kỹ năng; Môi trường thuế thuận lợi; Thì với các CEO Việt Nam, đó là: Nguồn nhân lực có kỹ năng; Môi trường pháp lý, chính sách (quy định minh bạch, ít tham nhũng); Cơ sở hạ tầng phát triển (giao thông, thông tin…); Khả năng tiếp cận công nghệ và DN sáng tạo.Đặc biệt có đến 73% các CEO Việt Nam cho rằng các quy định của Chính phủ có tác động lớn hơn tới DN trong tương lai trong khi tỷ lệ này ở các CEO APEC chỉ là 58%
Các CEO cho biết họ sẽ tìm cách cân bằng giữa yếu tố pháp lý, chính sách và yếu tố thị trường khi quyết định kinh doanh ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư kinh doanh sẽ chảy nhiều hơn vào những nền kinh tế có điều kiện pháp lý phù hợp cho việc mở rộng kinh doanh.