Cơ quan chủ quản yêu cầu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại giải trình về thu, chi tài chính

(PLVN) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại Nguyễn Trung Sơn khẳng định, khoảng 10 năm nay, nhà trường không có tiền để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề (phụ cấp đứng lớp) và phụ cấp thâm niên nhà giáo cho cán bộ giao viên, kể cả bản thân ông. Vấn đề này đã được nhà trường báo cáo tài chính, kiến nghị với Bộ Công Thương hàng năm, nhưng chưa bao giờ nhận lại được phản hồi.  
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại có địa chỉ tại 126 P. Xốm, Phú Lâm, Hà Đông, TP Hà Nội.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại có địa chỉ tại 126 P. Xốm, Phú Lâm, Hà Đông, TP Hà Nội, đào tạo hệ Cao đẳng chính quy; liên thông Trung cấp - Cao đẳng và chương trình vừa học văn hóa THPT (hệ giáo dục thường xuyên) vừa học trung cấp nghề. Hiện, Trường là đơn sự nghiệp công lập (thuộc Bộ Công Thương) có nguồn thu từ thu học phí và các hoạt động khác theo quy định. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn "rót" hàng năm 48% tiền ngân sách và tiếp tục được Bộ Tài chính hỗ trợ 700 nghìn đồng/1 tháng/1 học sinh (tức là 7 triệu đồng/1 học sinh/1 năm) đối với hệ vừa học văn hóa THPT (hệ giáo dục thường xuyên) vừa học trung cấp nghề. Nhưng, hiện nay nhà trường vẫn đang rơi vào tình trạng rất khó khăn về tài chính.

Hiện, có không ít cán bộ giáo viên của nhà trường có đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Công Thương và Báo Pháp luật Việt Nam về việc nhà trường chưa chi trả tiền phụ cấp, khiến cuộc sống của nhiều giáo viên rơi vào tình cảnh khó khăn.

Một số giáo viên cho biết, từ tháng 01 năm 2015 đến nay, Ban lãnh đạo Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại không trả đủ thu nhập, do còn thiếu các khoản phụ cấp, như: Không chi trả đủ phụ cấp nghề nghiệp (phụ cấp đứng lớp của giảng viên) theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nhằm hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về việc hướng dẫn về đối tượng áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp (bao gồm nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến đại học); Thông tư liên tịch số 32/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 16/12/2015 về việc tiếp tục hướng dẫn thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nhà giáo, thay thế và cập nhật các quy định trước đây.

"Không chi trả phụ cấp thâm niên nghề giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo bắt đầu được thực hiện từ ngày 1 tháng 5 năm 2011, Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1 tháng 8 năm 2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo", một số giáo viên cho biết thêm.

Theo một số giáo viên nhà trường, trong các cuộc họp Hội nghị cán bộ viên chức, người lao động của Nhà trường những năm trước, vấn đề chi trả thu nhập cho người lao động luôn là một chủ đề mà tất cả người lao động quan tâm và năm nào viên chức, giảng viên cũng yêu cầu nhà trường chi trả hai khoản phụ cấp trên.

Trả lời vấn đề này, đại diện nhà trường nhiều lần phát biểu trên cuộc họp, do tình hình tuyển sinh không tốt, nguồn thu từ học phí eo hẹp, vì vậy nhà trường tạm thời chưa chi trả phần phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Trước những phản ánh của giáo viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại cho biết, nhà trường là đơn vị hoạt động sự nghiệp công lập thuộc nhóm 3 (tự chủ nhóm 3), toàn bộ các hoạt động của nhà trường dựa trên kinh phí do nhà trường tự làm ra và 1 phần 48% nhà nước hỗ trợ. Tất cả các vấn đề chi trả lương cho cán bộ, giáo viên đều được thực hiện theo đúng tình hình tài chính thực tế của nhà trường, học sinh suy giảm nghiêm trọng, nguồn thu học phí không có, hiệu suất lao động cực thấp vì không có học sinh để dạy, trên tinh thần đó nhà trường cố gắng cân đối chi trả lương cho giáo viên đầy đủ, cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, còn lại một số các khoản phụ cấp theo quy định nhà trường không có khả năng chi trả.

Được biết Bộ Công Thương đang tổ chức sắp xếp lại các Trường Cao đẳng trực thuộc Bộ trong năm 2024-2025. Theo đó, việc sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng kinh tế Công nghiệp Hà Nội vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại theo Kế hoạch số 3262/KH-BCT ngày 16 tháng 05 năm 2024 của Bộ Công Thương.

Trước tình hình sáp nhập giữa các trường lại với nhau, khi chưa giải quyết dứt điểm quyền lợi của cán bộ giáo viên, nên không ít cán bộ giáo viên cũng đã đề nghị lãnh đạo nhà trường đối thoại, trả lời giải quyết dứt điểm về số tiền chậm chi trả phụ cấp.

Ngày 18 tháng 10 năm 2024, nhà trường tổ chức cuộc họp đối thoại trực tiếp với 14 giảng viên, viên chức là những người không đồng ý và ý kiến khác với nội dung cuộc họp tổ chức hồi cuối tháng 9.

"Trong cuộc đối thoại này, chúng tôi tiếp tục đề nghị nhà trường chi trả phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên nhà giáo đang còn nợ chúng tôi, tuy nhiên đồng chí Hiệu trưởng nhà trường trả lời sẽ không chi trả vì nhà trường không còn tiền để chi trả. Khi chúng tôi hỏi Hiệu trưởng Nguyễn Trung Sơn, nhà trường có báo cáo về việc nhà trường không chi trả hai khoản phụ cấp này trong nhiều năm qua cho lãnh đạo Bộ Công Thương không, Hiệu trưởng trả lời, đã báo cáo cho Bộ Công Thương (cụ thể và Vụ Kế hoạch – Tài chính) biết việc này, nhưng Bộ Công Thương không cấp bù kinh phí để nhà trường chi trả phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên nhà giáo cho viên chức, giảng viên", một số giáo viên cho biết.

Tại buổi làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Trung Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại cho biết, "không có tiền trả phụ cấp cho các giáo viên, các bạn mất một, tôi còn mất hai vì thâm niên công tác tôi cao hơn, lương tôi cao hơn, tôi cũng tự cắt của mình đi. Còn về vấn đề tài chính khẳng định với nhà báo rằng, ngoài việc tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chủ quản, tôi còn chịu trách nhiệm trước lương tâm tôi nữa, một đồng, 1 xu tôi không xâm phạm".

Được biết, nhà trường hiện có khoảng 150 viên chức, ngoài ra có khoảng 10 hợp đồng lao động, tổng hơn 160 người.

Trước sự việc, cán bộ giáo viên gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Trung Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại cho biết, Thanh tra Bộ đang yêu cầu nhà trường báo cáo, giải trình về thu, chi tài chính.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Đọc thêm