Cơ quan điều tra tiếp tục kết luận Công ty Quốc Cường Gia Lai không vi phạm khi mua trong vụ mua dự án Phước Kiển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước đó, VKSND TP Hồ Chí Minh trả hồ sơ để Cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong vụ mua lại dự án khu dân cư Phước Kiển do Công ty TNHH MTV Tân Thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Co quan điều tra tiếp tục kết luận, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã không có vi phạm khi mua dự án này.

Liên quan đến vụ án mà Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh điều tra đối với các bị can là lãnh đạo Công ty Tân Thuận và cả một số lãnh đạo cơ quan nhà nước, trong đó có ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, VKS TP Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên quan đến việc mua hai dự án Khu dân cư Phước Kiển và Khu dân cư ven sông.

Sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục kết luận không có cân cứ kết luận việc thông đồng giữa Công ty Quốc Cường Gia Lai với quan chức doanh nghiệp nhà nước trong việc mua lại các dự án này.

Theo kết luận điều tra bổ sung, với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, đến nay chưa có cơ sở kết luận bà Nguyễn Thị Như Loan có sự thông đồng với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận và có lợi trong việc ký kết hợp đồng.

Trở lại vụ việc, Dự án khu dân cư ven sông tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được khởi động từ năm 2008 do liên doanh Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Tân Thuận, trong đó Công ty Tân Thuận góp 55% vốn điều lệ.

Dự án do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhiều năm liền dự án này dậm chân tại chỗ.

Năm 2015, Công ty Hoàng Anh Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận mua lại phần vốn góp 45% với giá 164 tỷ. Đây là giá chào được cho là đã khiến Công ty Hoàng Anh Gia Lai chịu lỗ khoảng 25 tỷ sau nhiều năm đầu tư vào dự án này.

Tuy nhiên, Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh không đồng ý để Công ty Tân Thuận mua lại vốn góp của Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Sau đó, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lại đã mua lại 45% vốn góp do Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai để phát triển dự án này.

Sau khi mua lại vốn góp của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã nhiều lần đề nghị Công ty Tân Thuận sớm thực hiện dự án để thu hồi vốn.

Công ty Tân Thuận đã 3 lần họp với Sở Xây dựng xin chấp thuận đầu tư dự án. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không đồng ý do Công ty Tuân Thuận không đủ điều kiện vốn đối ứng 20% tổng mức đầu tư dự án nên không thực hiện được dự án.

Vì lý do này, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề xuất nhiều giải pháp như Công ty Tân Thuận phải tăng vốn điều lệ và vay ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện đối với 55% vốn góp tại dự án.

Song, do Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có vốn của Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh nên không thực hiện được phương án tăng vốn cho dự án do không được chủ sở hữu đồng ý. Vì vậy, Công ty Quốc Cường Gia Lai lại phải đề xuất Công ty Tân Thuận mua lại phần vốn góp của Công ty Quốc Cường Gia Lai hoặc chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai để tháo gỡ thế bế tắc “tiến thoái lưỡng nan” khi thực hiện dự án.

Cuối cùng, Công ty Tân Thuận đồng ý chuyển nhượng phần dự án mà Công ty này quản lý nhưng chỉ đồng ý chuyển nhượng tiếp 45% vốn góp trong số 55% vốn góp mà Công ty Tân Thuận quản lý. Số vốn góp còn lại là 10%, công ty này giữ lại để đổi lấy sản phẩm cho thuê làm nguồn thu nhập ổn định cho Công ty.

Ngày 18/03/2016, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 45% vốn góp của dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 186 tỉ đồng. Thời điểm này, Công ty Quốc Cường Gia Lai nắm 90% vốn góp, Công ty Tân Thuận nắm 10% vốn góp của dự án mà chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất đối với 32ha dự án Khu dân cư ven sông. Tuy nhiên, về hồ sơ thì Công ty Tân Thuận vẫn đứng tên chủ sử dụng đất và là doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án.

Năm 2017, để thực hiện dự án, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận đầu tư vốn đối ứng tương đương 10% chi phí thực hiện dự án để hai bên cùng triển khai xây dựng dự án. Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận đã không bỏ vốn mà lại đề xuất sẽ lấy 10% giá trị đất để hoán đổi thành sàn căn hộ trên tổng số giá trị của đất và chi phí xây dựng đã bỏ ra.

Vì vậy, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã đề nghị Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án để Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Sau đó, Công ty Tân Thuận có các văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị chuyển nhượng một phần Dự án khu dân cư ven sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai và đã được Thành ủy TP Hồ Chí Minh chấp thuận. Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án này cho Quốc Cường Gia Lai.

Như vậy có thể nói, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là nhà đầu tư ngay tình trong dự án này. Với nhiều nỗ lực để dự án sớm được triển khai, tháo gỡ vướng mắc và khó khăn tài chính cho Công ty Tân Thuận và trước đó là Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, Công ty Tân Thuận đã căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá của Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học, làm giá tối thiểu để thương thảo hợp tác là 1.050.000 đồng/m2 và đơn giá chuyển nhượng là 1.250.000 đồng/m2.

Về vấn đề này, Cơ quan điều tra cũng cho rằng, không có cơ sở nào buộc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia lai phải biết về mức giá mà Công ty Tân Thuận đưa ra có đúng quy định của pháp luật hay không.

Ngày 16-5-2017 và ngày 1-6-2017, Văn phòng Thành ủy ban hành thông báo, truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 32ha đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển và chấp thuận phương án giá chuyển nhượng theo đề xuất của Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng phải đảm bảo giá trị ngang giá thị trường và đúng quy định pháp luật.

Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 32ha đất nêu trên cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2 nhưng sau đó điều chỉnh đơn giá lên 1.768.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm kể từ ngày Công ty Quốc Cường Gia Lai mua lại dự án trên diện tích 32ha tại xã Phước Kiển, Văn phòng Thành ủy đề nghị Công ty Quốc Cường Gia Lai hủy bỏ hợp đồng do dư luận cho rằng việc chuyển nhượng đất công cho doanh nghiệp với “giá bèo”.

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đồng ý hủy hợp đồng và nhận về 397 tỷ đồng gốc và 21 tỷ tiền lãi.

Mặc dù vụ mua bán bị hủy bỏ và nhiều lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị xử lý do vi phạm quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, nhưng về pháp luật dân sự, vụ mua bán này không trái pháp luật và Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng là bên chịu tổn thất không nhỏ khi hủy hợp đồng này.

Như vậy, kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ các nghi ngờ về việc bán rẻ dự án cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Thực chất, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai không “mua rẻ” mà còn bị thiệt hại không nhỏ trong vụ việc lùm xùm này.

Đọc thêm