Cơ sở pháp lý để thu hút, 'giữ chân' nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng

(PLVN) - Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp (CNQP, AN&ĐVCN) dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; được kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách, quy định mới, mang tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng xây dựng CNQP, AN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, thực hiện ĐVCN rộng khắp.
Hệ thống đài ra đa VRS-2DM được Viettel nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. (Ảnh: Lam Hạnh)
Hệ thống đài ra đa VRS-2DM được Viettel nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. (Ảnh: Lam Hạnh)

Những năm qua, thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển CNQP đến 2020 và những năm tiếp theo”, với chức năng là lực lượng nòng cốt, Quân đội đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển CNQP. Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực quốc phòng để nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị với tính năng chiến thuật, kỹ thuật, chất lượng cao.

Tiềm lực khoa học, công nghệ quân sự từng bước được nâng lên; hợp tác quốc tế về CNQP được chú trọng. Đã nghiên cứu chế tạo thành công một số loại vũ khí thế hệ mới, hiện đại, như súng và đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ; đạn xuyên giáp các loại; đạn cối mẫu mới có độ chính xác, uy lực cao; khí tài ngắm bắn, quan sát ban đêm; vật liệu ngụy trang chống được trinh sát quang học, ra đa cảnh giới, ảnh nhiệt; máy thông tin liên lạc thế hệ mới; phương tiện tác chiến điện tử…

Các nhà máy CNQP đã có đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Theo báo cáo của Tổng cục CNQP, trong năm 2023, công tác nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng cục tiếp tục thực hiện 150 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp (16 cấp quốc gia, 52 cấp Bộ Quốc phòng, 82 cấp Tổng cục); trong đó, đã đánh giá, nghiệm thu 32 đề tài, nhiệm vụ và có 28 đề tài, nhiệm vụ được áp dụng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Tổ chức sản xuất vũ khí lục quân; đóng tàu quân sự và sản xuất kinh tế; đã hoàn thành sản xuất, sửa chữa 91/91 chủng loại sản phẩm quốc phòng từ các nguồn ngân sách bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được cao hơn so với 2022.

Hiện nay, dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh lý, sửa đổi, cập nhật phù hợp với nhu cầu phát triển ngành CNQP,AN theo xu thế mới, phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Các đơn vị CNQP, AN kỳ vọng Quốc hội sớm thông qua dự án luật, với mục tiêu cao nhất là xây dựng tiềm lực CNQP, AN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, Đại tá Nguyễn Gia Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Cty TNHH Một thành viên 27 (Nhà máy Z127) đánh giá rất cao dự thảo Luật, trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư theo thỏa thuận, tương ứng với nhiệm vụ được giao; người đứng đầu cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được sử dụng kinh phí chi thường xuyên giao hàng năm và nguồn thu hợp pháp để thuê chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đọc thêm