“Có than nên Quảng Ninh gọi là vùng mỏ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023) là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, cũng như của các cán bộ, đảng viên, đồng bào và nhân dân các dân tộc, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và toàn ngành Than Quảng Ninh nói chung.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh. (Ảnh: Công Hoan)
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh. (Ảnh: Công Hoan)

Nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tường đã chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về truyền thống, lịch sử cùng những thành tựu, cống hiến của ngành Than trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển vùng đất mỏ Quảng Ninh.

“Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”

Ngành Than Quảng Ninh gắn liền với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, cùng tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, xin ông chia sẻ đánh giá, nhận định về vai trò, ý nghĩa của ngành Than trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định vị thương hiệu Quảng Ninh trên toàn quốc và trường quốc tế?

- Truyền thống, bề dày lịch sử lâu đời của ngành Than đến nay đã trên 183 năm. Điểm mốc bắt đầu là ngày 10/01/1840, Vua Minh mạng ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu của Tổng đốc Hải An (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) cho phép khai thác than ở Quảng Ninh. Trước đó, người dân trong khi săn bắt, hái lượm, lấy củi, nhặt được ba hòn đá đen để đun cơm thì thấy ba hòn đá đó bốc cháy (sự kiện “hòn đá cháy”). Từ sau đó, người dân mang các hòn đá cháy về nấu nướng, nung vôi,… Tổng đốc Hải An Tôn Thất Bật nhận thấy đây có thể thành một nghề, bèn dâng lên vua xin khai thác nhằm cứu đói cho người dân. Sớ này đánh dấu bước ngoặt lớn nhất phát tích ra nghề khai thác than ở Việt Nam.

Sau đó, bước vào thời kỳ Pháp đô hộ, đất nước ta trở thành một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, chịu sự cai trị, áp bức của Pháp, đặc biệt bị áp đặt các chính sách khai thác tài nguyên, nhất là khai thác than. Cụ thể, ngày 24/01/1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn bán khu vực Hòn Gấc (Hòn Gai - Cẩm Phả) cho tư bản Pháp, thời hạn 100 năm. Ngày 24/4/1888 một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (FSCT), được quyền quản lý từ Hòn Gai đến Mông Dương. Cùng năm 1888 triều đình nhà Nguyễn bán khu vực Mạo Khê - Đông Triều cho tập đoàn tư bản Pháp (SFDT).

Trong suốt thời gian thống trị, chính sách bao trùm của bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp ở vùng mỏ là đàn áp, khủng bố với những thủ đoạn vô cùng tàn bạo. Người thợ, bấy giờ gọi là phu mỏ, bị bắt làm việc kéo dài, có thể tới 12 tiếng, bị cúp lương, bị đánh đập, bị bắt bớ, tù đày, tra tấn, chém giết, nhưng không có pháp luật nào bảo vệ thân phận người thợ.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Trung ương bắt đầu gửi một số đồng chí đảng viên, chiến sĩ hoạt động cách mạng đi vô sản hoá vùng mỏ, như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Huy Tăng, Lê Thanh Nghị, Đặng Châu Tuệ… Cuối tháng 2/1930, Cchi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh được thành lập ở Mạo Khê (Đông Triều) do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Chi bộ, mở ra bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại khu mỏ. Cho đến năm 1936, ở vùng mỏ đã có rất nhiều chi bộ hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thấy cần có những cuộc bãi công để chấm dứt đàn áp của Pháp và bè lũ tay sai, Chi bộ đã thống nhất thực hiện cuộc tổng bãi công với khẩu hiệu trọng tâm là “kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”. Kỷ luật tức là bãi công phải dứt khoát, đồng loạt; đồng tâm là tất cả các mỏ đều không đi làm.

Cuộc tổng bãi công khởi đầu vào ngày 12/11/1936 với hơn 3 vạn phu mỏ. Đảng lãnh đạo tính toán những yếu tố như công nhân bãi công kéo dài không có tiền lương, nên đã lo ăn, trang thiết bị để công nhân có thời gian đấu tranh. Thực dân Pháp vào đàn áp, nhưng đến đâu công nhân cũng đấu tranh, trở thành một Khối đoàn kết thống nhất, thì Pháp không biết đàn áp ai. Kéo dài đến ngày thứ 7 không có than đưa về chính quốc, bọn chủ mỏ phải nhượng bộ những yêu sách của chúng ta, đó là giảm giờ làm, tăng lương và dứt khoát không được đánh đập phu mỏ. Ngày 12/11 trở thành “Ngày Vùng mỏ bất khuất”, nay đổi tên thành Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, Ngày truyền thống ngành Than. Sau đó, chiến dịch Điện Biên Phủ giải phóng, thợ mỏ cũng tham gia giành chính quyền năm 1945 và tiếp quản vùng mỏ ngày 25/4/1955. Kể từ đó, xây dựng và phát triển các mỏ đến nay, trong đó TKV của ngày hôm nay.

Chặng đường lịch sử nêu trên đã khẳng định mỗi trang sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đều gắn với những hy sinh thấm bao mồ hôi và cả máu của thợ mỏ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Mối quan hệ giữa ngành Than và tỉnh Quảng Ninh là mối quan hệ rất chặt chẽ, “máu, thịt”, không thể tách rời. Như đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký có nói “có than nên Quảng Ninh gọi là vùng mỏ, có giai cấp công nhân mới có Đảng”.

Đến nay, ngành Than là ngành kinh tế quan trọng của cả nước, gắn với an ninh năng lượng quốc gia. Sự phát triển của ngành Than góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Có giai đoạn hàng năm ngành Than đóng góp gần 50% GRDP của tỉnh. Hiện nay, ngành Than đóng góp khoảng 40% thu nhập nội địa toàn tỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm các cán bộ, nhân viên của Công ty Than Vàng Danh - Vinacomin. (Ảnh: Phạm Cường)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm các cán bộ, nhân viên của Công ty Than Vàng Danh - Vinacomin. (Ảnh: Phạm Cường)

Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc dưới hầm lò

Xin ông cho biết những thành tựu, đóng góp nổi bật của TKV đối với việc duy trì, phát triển ngành kinh tế mỏ ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua?

- TKV là một doanh nghiệp nhà nước nên nét nổi bật chính là sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Một số kết quả nổi bật phải nói đến: Than nguyên khai sản xuất bình quân hằng năm khoảng 36,7 triệu tấn/năm, trong đó trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 35 triệu tấn/năm. Than tiêu thụ bình quân khoảng 43,4 triệu tấn/năm. Doanh thu toàn Tập đoàn hàng năm tăng cao, năm 2021 đạt 138,81 nghìn tỷ đồng; năm 2022 đạt 165,88 nghìn tỷ đồng - năm đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận hằng năm đều tăng, năm 2021 đạt 5.288 tỷ đồng; năm 2022 đạt 8.150 tỷ đồng. Do vậy, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước cũng đạt cao. Năm 2021, TKV nộp ngân sách nhà nước 18,6 nghìn tỷ đồng, trong đó nộp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 14,1 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, TKV nộp ngân sách nhà nước 21,3 nghìn tỷ đồng, trong đó nộp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 16,3 nghìn tỷ đồng. Mức nộp ngân sách này đã đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh.

Để duy trì và phát triển ngành Than trong những năm qua TKV đã tập trung thực hiện tái cơ cấu môt hình tổ chức sản xuất, tái cơ cấu lao động theo Quyết định 314/QĐ-TTg, Quyết định 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi tài cơ cấu, toàn Tập đoàn có khoảng 135.000 lao động, đến nay sắp xếp lại còn khoảng 96.400 lao động. Giải pháp khác là tập trung lãnh đạo thực hiện chủ trương “vừa sản xuất và thương mại than” để phục vụ nhu cầu than trong nước, nhất là cho điện. Theo đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất than; tăng cường nhập khẩu than để pha trộn, cung ứng cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký.

Tập đoàn cũng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới “3 hoá” (Cơ giới hoá, tin học hoá, tự động hoá” vào quản lý và sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động. Một số lĩnh vực bước đầu thực hiện chuyển đổi số, đang tiến tới làm việc “không có giấy tờ”, bảo đảm tính bảo mật cao.

Xin ông cho biết, TKV đã và đang bảo đảm, cải thiện cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động mỏ như thế nào qua các năm?

- Trước hết, trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, Tập đoàn đã phối hợp với tỉnh thực hiện phòng, chống dịch bệnh ngay từ thời kỳ đầu, duy trì khám sức khoẻ định kì, khám COVID-19; tiêm phòng dịch,… cho người lao động. Các đơn vị đã duy trì đủ việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công nhân giãn việc, nghỉ việc, TKV giữ quan điểm không để cho ai thiếu việc, lương năm sau vẫn cao hơn năm trước dù trong bối cảnh rất khó khăn. Hiện nay, TKV giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 80 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; tích cực tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Tiền lương bình quân năm 2022 là 16 triệu đồng/người/tháng, lương thợ lò bình quân trên 20 triệu/người/tháng.

Bên cạnh duy trì thực hiện tốt các chế độ chính sách về tiền lương, Tập đoàn còn cung cấp nhiều phúc lợi khác như: tham quan nghỉ mát cho người lao động; hỗ trợ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn (xây, sửa nhà bằng nguồn quỹ Mái ấm Công đoàn và TKV hỗ trợ); khen thưởng động viên công nhân lao động giỏi, xuất sắc; lao động có tay nghề cao; lao động giỏi có thu nhập cao; gặp mặt động viên công nhân có ngày công thấp, công nhân ở vùng cao;…

Tập đoàn cũng tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại cho người lao động, nhất là công nhân lò (chế độ ăn ca, đi lại trong các mỏ hầm lò, đưa đón công nhân đi làm,…). Tập đoàn có chủ trương không để người lao động đi bộ trên 500m bởi khi đường lò cắm vào sâu và xa, đi bộ nhiều cũng tốn nhiều năng lượng, do đó những nơi áp dụng được thì phải dùng phương tiện vận tải cho người đi bộ. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tăng cường cơ giới hoá tự động hoá để người lao động được công tác trong một môi trường rất an toàn. Những nơi không cơ giới hoá, tự động hoá được thì phải tăng cường khâu chống giữ trong lò, với mức độ tốt nhất, nhưng vẫn bảo đảm không gian, không khí, an toàn lao động, sức khoẻ cho thợ lò. Mục đích tới của Tập đoàn là cải thiện nhiều hơn nữa đối với điều kiện làm việc dưới hầm lò.

Với tiêu chí cải thiện môi trường làm việc “sáng - xanh - sạch”, các đơn vị tăng cường đầu tư các công trình bảo đảm mục tiêu môi trường một cách tổng thể, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, môi trường làm việc, nhằm từng bước hoàn thành các mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”, “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ”,…

Nỗ lực thi đua chào mừng ngày thành lập tỉnh

Kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, TKV đã có sự chuẩn bị như thế nào để tôn vinh đóng góp của ngành Than cho sự phát triển của tỉnh?

- Không những các đơn vị thuộc TKV trên địa bàn tỉnh mà các đơn vị thuộc TKV ngoài tỉnh cũng thi đua tổ chức các hoạt động hướng về sự kiện 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Đến nay, 100% các đơn vị đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh gắn với các hoạt động thi đua của TKV, với các đợt thi đua “Tháng Thanh niên”, “Tháng Công nhân”, “Tháng 7 - Tháng bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.

Hoạt động văn nghệ, thể thao được TKV và nhiều đơn vị tổ chức với quy mô lớn thu hút được nhiều người tham gia. Tiêu biểu: TKV tổ chức giải bóng bàn, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, các môn thể thao dân tộc năm 2023; Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Cẩm Phả tổ chức giải bóng đá nam; Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu tổ chức giải bóng bàn phong trào năm 2023; Công ty Than Hạ Long tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho 100% các phân xưởng, phòng ban…

Từ đầu năm trong toàn Đảng bộ Than Quảng Ninh đã kết nạp 226 đảng viên vào dịp ngày thành lập Đảng 3/2 và dịp 19/5, chào mừng ngày sinh nhật Bác, hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh; dự kiến số kết nạp vào dịp 30/10/2023 là 208 đảng viên/30 chi, đảng bộ cơ sở.

Đáng nói, các đơn vị triển khai tốt Cuộc thi viết tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”. Cuộc thi được 100% chi, đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện và được đông đảo cán bộ đảng viên và người lao động hưởng ứng tham gia, đã có trên 15.000 người tham gia viết bài dự thi. Đến thời điểm hiện tại đã có 80 bài dự thư đạt giải cao, chất lượng của các cơ sở đã nộp về Đảng ủy Than Quảng Ninh; có nhiều bài được đầu tư công phu, nhiều thời gian, có bài viết dày đến 3.000, 4.000, 5.000, 6.000, thậm chí 8.000 trang, được in ấn đẹp, có hệ thống bệ đỡ, hệ thống chiếu sáng, thuyết minh âm thanh, hình ảnh… Thông qua cuộc thi thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, sự gắn bó máu thịt của các cấp ủy, các tổ chức, cơ qian đơn vị, cán bộ đảng viên, người lao động trong TKV đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống lịch sử, xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm