Có thể bị khóa tài khoản nếu không thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp đầu tư

(PLVN) - Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. 
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc thông qua Nghị quyết này giống như một dòng chảy bởi "nếu không thi hành phán quyết khi mà phán quyết đã ban hành thì về vấn đề ngoại giao, kinh tế, người ta có quyền bắt tàu bay, bắt tàu biển, khóa toàn bộ tài khoản"…

Vì vậy, chúng ta có hơn 5 năm để ân hạn giải quyết các vấn đề quốc gia và Nghị quyết công nhận này là phù hợp. Tuy nhiên, các cơ quan Tòa án, Chính phủ cũng cần rà soát lại một số điều khoản của Nghị quyết, tán thành, chúng ta có quyền công nhận hay không công nhận. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) cho biết, hiện nay việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York đang gặp một số khó khăn, các tổ chức trọng tài và các doanh nghiệp cũng than phiền.

Do đó, với Hiệp định bảo hộ đầu tư, việc giải quyết tranh chấp trong vòng 5 năm tới đây sẽ coi như là phán quyết trọng tài nước ngoài và sau 5 năm ấy thì những phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp được coi là bản án và sẽ theo trình tự thi hành án dân sự.

Theo ông Nghĩa, cần thành lập bộ phận chuyên trách nghiên cứu để tổng kết và từ đó rút ra những điểm cần thiết đối với việc thi hành các phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp của Hiệp định này. 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. 

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết này là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định EVIPA; đồng thời thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định. 

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày về dự thảo Nghị quyết. 

Theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định EVIPA, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trên (“Phán quyết EVIPA”) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết cũng không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện. 

Bên cạnh đó, đối với môi trường đầu tư kinh doanh, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Đọc thêm