Có thể đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết như vậy khi trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 3/6.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật.

Sửa đổi, bổ sung quy định về băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mục tiêu của Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan (báo cáo chi tiết trình kèm) trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Thông tin về một số nội dung chính của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển để làm rõ có thể đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao (bao gồm nhưng không giới hạn băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng); kênh tần số có giá trị thương mại cao nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Trong đó, ưu tiên đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.

Bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước...

Về nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số, dự thảo Luật bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần.

Bổ sung quy định trường hợp các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế thì cũng phải thực hiện các khoản phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho ngân sách nhà nước...

Bảo đảm tính khả thi của quy định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho hay, về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với việc dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.

Về phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng.

Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển.

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Trước mắt, Ủy ban KH,CN&MT cho rawngff chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật vì một số lý do.

Thứ nhất, khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Thứ 2, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế.

Thứ 3, báo cáo đánh giá tác động về chính sách căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội làm cơ sở đề xuất việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là không phù hợp, vì Nghị quyết số 132/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế và Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm.

Đọc thêm