Hiện nay Pháp luật Việt Nam quy định nhiều hình thức sở hữu đối với tài sản: sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng.
Tài sản thuộc sở hữu toàn dân gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Với những quy định trên, khi bạn và người yêu bạn chưa đăng kí kết hôn, có tài sản chung để mua chung một ngôi nhà. Theo đó, ngôi nhà này chính là tài sản thuộc sở hữu chung.
Tại Điều 208 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu chung:
“Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.”
Như vậy, khi xác lập quyền sở hữu chung, các chủ sở hữu có quyền thỏa thuận với nhau để xác lập quyền sở hữu tương ứng. Do đó, trong trường hợp này, bạn và bạn trai có quyền thỏa thuận để cùng mua nhà và cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Như vậy, khi hai bạn mua nhà và thực hiện thủ tục đăng ký sang tên theo quy định trên thì cả hai bạn sẽ cùng được ghi tên trên Giấy chứng nhận và trở thành đồng chủ sở hữu đối với tài sản đó.