Phương pháp xét nghiệm Ebola hiện nay mất từ 1- 2 giờ và đòi hỏi những thiết bị chuyên dụng đắt tiền - Ảnh: Le Monde
Đặc biệt, theo Giáo sư Jiro Yasuda, trưởng nhóm nghiên cứu, phương pháp nói trên không những cho kết quả nhanh chóng mà còn không đòi hỏi phương tiện kỹ thuật cao cấp nên rất rẻ, phù hợp với điều kiện những quốc gia châu Phi đã hoặc đang trải qua dịch Ebola.
Cụ thể, các nhà khoa học chiết xuất ARN lấy từ mẫu máu bị nghi nhiễm vi rút Ebola (thông tin di truyền của vi rút này là ARN, không phải ADN), sau đó cho trộn lẫn với một chuỗi ADN đặc biệt ở ống nghiệm và đem hâm nóng ở nhiệt độ từ 60-65oC.
Chuỗi ADN nói trên có khả năng tự khuyếch đại nếu “bắt gặp” thông tin di truyền của vi rút Ebola, và ngược lại, ống nghiệm sẽ bị mờ. Như vậy, kết quả có thể phân biệt được bằng mắt thường.
Hiện việc xét nghiệm máu nhiễm Ebola chủ yếu dựa vào phương pháp phản ứng khuyếch đại gien (PCR), vốn yêu cầu phải có đủ thiết bị chuyên dụng để phân tích kết quả và thời gian phân tích từ 1-2 giờ.
Trong khi đó, phương pháp của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nagasaki chỉ đòi hỏi dụng cụ giúp hâm nóng ống nghiệm, có thể hoạt động nhờ pin và giá cả chừng vài trăm USD.
Giáo sư Yasuda cho biết “rất vui lòng” tặng toàn bộ thiết bị xét nghiệm theo phương pháp mới cho những quốc gia bị dịch có nhu cầu.