Có thể tiêu hủy xe để chống nạn đua trái phép

"Nếu thấy số xe bị tịch thu vẫn cho lưu thông mà không có hại gì thì sẽ tổ chức bán đấu giá; nhưng nếu thấy cần thiết phải răn đe, phải xử lý thật triệt để thì phải đem tiêu hủy. Tiêu hủy để thấy rằng, xã hội sẽ kiên quyết chống nạn đua xe trái phép", Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt (Bộ Công an) nói.

Sau khi PLVN có bài giới thiệu dự thảo Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - trong đó, có  điểm mới là hành vi đua xe trái phép sẽ bị tịch thu phương tiện không phân biệt chủ sở hữu-  đã có nhiều ý kiến băn khoăn về chế tài này và cho rằng biện pháp này không hợp lý, sẽ xử lý ra sao đối với xe bị tịch thu, cơ quan nào có thẩm quyền tịch thu xe?.

ừ
 

Xung quanh vấn đề này, Thiếu tướng  Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt (Bộ Công an) – cho biết:

- Sẽ có vấn đề này, vấn đề khác phát sinh, như dùng xe ăn cắp để tham gia đua..., nhưng theo tôi, xe máy là tài sản không có giá trị lớn lắm trong khi hành vi đua xe trái phép lại gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Do vậy, việc đề xuất tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu trước mắt là để ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép và răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm, thậm chí cả các gia đình có con em tham gia đua xe. 

Sau khi tịch thu xe, nếu xác minh  rõ chiếc xe mà đối tượng dùng để đua là tài sản đi ăn cắp thì cơ quan chức năng cũng sẽ có cách giải quyết phù hợp để tránh gây thiệt hại cho người dân; tuy vậy, trường hợp này tôi nghĩ là rất hãn hữu. Thực tế, những đối tượng đua xe hầu hết là con nhà khá giả, thậm chí khi bị vây bắt còn bỏ xe để chạy và không thèm lấy lại.

- Nhưng theo quy định của Bộ Công an, CSGT không có quyền tịch thu xe?

- Hiện vẫn chưa tính đến chuyện này nhưng tôi nghĩ rằng, nếu sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 thì sau đó cũng phải ban hành Thông tư để hướng dẫn thực hiện về vấn đề này. Theo tôi, thẩm quyền tịch thu xe nên giao về cho UBND là hợp lý.

- Cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào với số xe bị tịch thu, thưa Thiếu tướng?

- Khi đã tịch thu xe thì đó là tài sản Nhà nước, Nhà nước có quyền xử lý một cách hợp lý, thấy cách nào có lợi nhất thì làm. Nếu thấy  số xe bị tịch thu vẫn cho lưu thông mà không có hại gì thì sẽ tổ chức bán đấu giá; nhưng nếu thấy cần thiết phải răn đe, phải xử lý thật triệt để thì phải đem tiêu hủy. Tiêu hủy để thấy rằng, xã hội sẽ kiên quyết chống nạn đua xe trái phép.

- Thưa Cục trưởng, hành vi tụ tập cổ vũ và kích động đua xe trái phép cũng gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, gián tiếp đẩy hành vi đua xe trái phép trở nên liều lĩnh hơn nhưng mức phạt tiền theo dự thảo không cao (từ 1-2 triệu đồng). Mặt khác, sẽ xử lý ra sao nếu các đối tượng này không có tiền nộp phạt ?

- Pháp luật của mình hiện vẫn còn một số hạn chế. Tại một số nước trên thế giới thì những hành vi vi phạm với lỗi nhỏ, người ta sẽ bắt đi lao động công ích; thậm chí người ta còn bắt những đối tượng này đi tù vài tuần hoặc một tháng và trong vài tuần đi tù, người sai phạm phải tham gia lao động để tạo ra số tiền bù đắp cho lỗi của mình.

Nhưng, luật pháp Việt Nam hiện chưa có quy định này, nên có những hành vi vi phạm pháp luật cần phải giam, nhốt... trong một thời gian nhất định mà chưa làm được. Chẳng hạn như hành vi say rượu khi lái xe, đáng lẽ phải bị tạm giữ khoảng 24 tiếng đồng hồ, đợi khi nào đối tượng tỉnh hẳn thì mới được tha...

Đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến chuyện này. Hơn nữa, hình phạt chủ yếu vẫn nhắm vào các đối tượng tổ chức và tham gia đua xe trái phép, bởi người cổ vũ có khi lên đến hàng trăm, hàng nghìn người chứ không phải một vài người. Bắt là bắt "đầu trò" chứ còn bắt người đứng hai bên đường cổ vũ thì bắt làm sao hết.

- Nhiều ý kiến lại cho rằng, hành vi tổ chức đua xe trái phép là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, vì thế pháp luật nên quy định theo hướng chỉ xử lý hình sự, phải xác định ngay là tội phạm chứ không phải là hành vi vi phạm hành chính?

- Theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý theo luật hình sự thì phải xử phạt hành chính. Để xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép thì lực lượng Cảnh sát hình sự phải vào cuộc ngay từ đầu nhưng để bắt được đối tượng vi phạm không phải chuyện đơn giản, việc ngăn chặn hay bắt các đối tượng này ngay từ đầu là CSGT.

Bởi vậy, bước ban đầu phải là xử lý hành chính; sau đó, qua quá trình xét hỏi, xác minh nếu thấy hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự. Một vụ tổ chức đua xe có nhiều yếu tố cấu thành, không phải vụ nào cũng đem ra xử hình sự hết được.

- Là lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, ông có ý kiến đề xuất gì để hạn chế nạn đua xe trái phép?

- Tôi nghĩ rằng, để đấu tranh có hiệu quả với nạn đua xe  trái phép phải có điều tra, nghiên cứu nhằm nắm bắt tình hình cụ thể ngay từ cơ sở, phải chống từ trong “trứng nước” chứ không thể đợi đến khi các đối tượng đã tụ tập đua xe rồi mới chống, như thế thì rất khó. Các cơ quan chức năng phải cùng nhau phối hợp để dẹp ngay từ khi các đối tượng có ý đồ đua xe. Một vấn đề nữa là các gia đình phải theo dõi con em mình để răn đe và quản lý. Từng khu phố, từng phường xã cũng phải theo dõi để quản lý chứ đừng đổ tội cho xã hội. Xã hội chỉ là người chịu hậu quả của tệ nạn này.

“Hiện nạn đua xe đang là vấn đề nóng, gây bức xúc trong toàn xã hội. Trước mắt, theo chỉ đạo của Chính phủ là phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 theo hướng tăng nặng hình phạt để tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và hành vi đua xe trái phép nói riêng. Cứ làm theo chỉ đạo của Chính phủ trước, sau này thấy không hợp lý chỗ nào thì sẽ tính tiếp.

Hiến pháp hay các bộ luật thì cũng do con người làm ra, bởi vậy không có gì là không bổ sung, chỉnh sửa được nếu thấy không hợp lý. Quan điểm của tôi là phải phục vụ cho cái trước mắt, nếu cứ chờ để các văn bản pháp luật đồng bộ thì không bao giờ làm được trong khi hành vi vi phạm thì vẫn diễn ra hàng ngày”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên

- Trân trọng cám ơn Thiếu tướng!
 
Vân Anh
 

Đọc thêm