Hiện nay, theo quy định của Luật Luật sư, hình thức hành nghề của luật sư bao gồm: Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư.) và hành nghề với tư cách cá nhân. Luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề nêu trên để hành nghề. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư quy định hình thức hành nghề như trên là “bó hẹp”, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Tới đây, sửa đổi Luật Luật sư, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần mở rộng hình thức hành nghề luật sư cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt nghiên cứu quy định tuyển dụng luật sư vào cơ quan nhà nước, thực hiện dịch vụ pháp lý theo sự phân công của cơ quan đó, không được nhận vụ việc của khách hàng khác bảo đảm nguyên tắc “không kiêm nhiệm” của nghề luật sư, không dẫn đến xung đột lợi ích. Đồng thời nghiên cứu, quy định hình thức hành nghề luật sư làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước..
Việc có đội ngũ luật sư trong cơ quan nhà nước chắc chắn sẽ tạo những “hiệu ứng” tốt trong thực thi pháp luật, nhất là khi cơ quan nhà nước đó là nơi thường xuyên phải “cọ sát” với dân. Có một “cố vấn pháp lý” bên cạnh theo kiểu “danh chính ngôn thuận” đồng nghĩa với việc không phải chạy đôn, chạy đáo mỗi khi có “sự vụ” hoặc khi cần thiết. Đây cũng là môi trường tốt để luật sư nâng cao nghiệp vụ, phát huy khả năng của mình
P.V