Có thể xử lý được hơn 100 nghìn tỷ nợ xấu

(PLO) - Thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết (NQ) về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều qua (26/5), đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, nếu NQ được thông qua, dự báo ngay trong 6 tháng còn lại của năm 2017 chúng ta có thể xử lý được khoảng 60 nghìn tỷ nợ xấu đang nằm đọng ở VAMC và 65 nghìn tỷ tòa tuyên đang nằm ở cơ quan thi hành án dân sự.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) góp ý xây dựng dự thảo tại phiên họp tổ chiều 26/5.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) góp ý xây dựng dự thảo tại phiên họp tổ chiều 26/5.

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành NQ này để giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các ĐB cũng đề nghị dự thảo quy định chặt chẽ một số vấn đề để tránh khả năng lợi dụng NQ để làm sai.

Tổng nợ xấu nước ta là không bình thường

Cho ý kiến về Dự thảo NQ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có Đề án 843 để từ đó hình thành nên Cty quản lý tài sản (VAMC). Theo ĐB Ngân, sau 5 năm triển khai Đề án 843, dù đã đầu tư, nghiêm túc trong việc giải quyết đến cùng vấn đề nợ xấu nhưng hiện vẫn còn khoảng trên dưới 500 ngàn tỉ. Đặc biệt, theo báo cáo mới đây thì có những khoản nợ xấu trước đây được cơ cấu thành không phải nợ xấu nhưng giờ có khả năng chuyển lại thành nợ xấu.

ĐB Ngân cho rằng để xử lý những khoản nợ xấu chưa hoàn thành cần phải có sự hợp lực của các ban ngành, các cơ quan của Chính phủ và QH cũng phải có cơ chế pháp lý đủ mạnh để xử lý. Theo ĐB này, về mặt xã hội, việc xử lý tốt nợ xấu sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu. Thứ nhất, việc này có thể giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, tức giảm lãi vay. “Theo ước tính của tôi thì giảm khoảng 1% tổng lãi suất cho vay hiện nay”, ông nói. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp người đi vay thận trọng hơn, suy nghĩ kỹ hơn về hiệu quả kinh doanh trước khi đi vay, còn ngân hàng cũng phải chú ý đến chất lượng tín dụng trong cho vay.

Cùng chung nhận định trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bất cứ nước nào cũng có nợ xấu trong hoạt động tín dụng nhưng việc tổng nợ xấu ở nước ta đã 10,08% thì là không bình thường. Chủ tịch QH nhấn mạnh Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ban hành không phải để hợp pháp hóa các hành động vi phạm pháp luật mà vẫn phải truy cứu trách nhiệm những hành vi trái pháp luật tạo ra nợ xấu. NQ chỉ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng nhưng không chỉ đảm bảo lợi ích của các tổ chức này mà còn bao gồm lợi ích chính đáng của người gửi tiền, cũng như lưu thông dòng vốn nền kinh tế.

Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), nếu NQ được thông qua, dự báo ngay trong 6 tháng còn lại của năm 2017 chúng ta có thể xử lý được khoảng 60 nghìn tỷ nợ xấu đang nằm đọng ở VAMC và 65 nghìn tỷ tòa tuyên đang nằm ở cơ quan thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp. “Hy vọng mỗi bên đạt 50% là chúng ta có 60 nghìn tỷ đưa vào các tổ chức tín dụng để hoạt động. Nếu được như vậy, dự kiến trong 3, 4 năm gần như toàn bộ nợ xấu đang nằm ở VMC và các tổ chức tín dụng sẽ xử lý được”, ĐB Kiên cho hay. 

Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của Dự thảo NQ, ĐB Đoàn Hồng Phong (Nam Định) cùng các ĐB khác đều nhất trí và nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc không được dùng ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu. “Đây là vấn đề quan trọng. Không cẩn thận chúng ta lại biến ngân sách thành tiền cho các tổ chức tín dụng”, ĐB Phong nói. Các ĐB cũng cho rằng cần quy định không giải quyết miễn thuế phí khi chuyển nhượng các tài sản liên quan đến nợ xấu để đảm bảo tương đồng với quy định không sử dụng ngân sách trong giải quyết nợ xấu.

Bên cạnh đó, dù nhất trí với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị cần phải làm rõ một số điểm. Thứ nhất là tính khả thi. “Chính phủ cần làm rõ những khoản nợ này ra sao dù VAMC đã có thời gian giải quyết nhưng không thực hiện được. Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có quy định pháp luật bảo vệ nhưng vì sao họ không thu hồi được tài sản thế chấp dù có hành lang pháp lý tương đối ổn bảo vệ họ. Nếu không làm rõ mà QH thông qua nghị quyết thì tôi không tin giải quyết được”, ĐB Tâm nhận định. 

Cũng theo ĐB Tâm, cần có sự rà lại những tài sản có thể thu hồi được vì thực tế có tình trạng các chủ dự án đi vay ngân hàng rồi lấy dự án đó để thế chấp tiếp để vay làm dự án, tạo nên sự lòng vòng nợ không trả, sổ đỏ người dân không làm được. Những trường hợp như vậy nếu gỡ vướng hết thì cũng không có tài sản để thu hồi, thậm chí “ôm nợ đó thì nợ xấu phẩy là rất cao”. Cũng theo ĐB Tâm, bà lo ngại các quy định “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm. Cũng theo ĐB Tâm, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội nhằm tạo niềm tin của dân với QH. Đồng thời QH cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu.

Theo ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội), dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nội dung chưa được quy định và chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần đảm bảo yêu cầu hết sức quan trọng là bảo đảm an ninh tiền tệ và trật tự an toàn xã hội trong quá trình xử lý nợ xấu.

ĐB Đào Thanh Hải đề nghị cân nhắc 5 vấn đề quan trọng để đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết. "Tôi đề nghị cân nhắc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá về khả năng thực hiện quyền thu giữ của tổ chức tín dụng, khả năng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan để đảm bảo tính khả thi của quy định”, ông Hải nhấn mạnh. Cũng trong ngày hôm qua, QH đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Đọc thêm