90.5% đồng ý Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm?
Theo báo cáo các xã trên địa bàn huyện Từ Liêm thì có một số xã có hơn một nửa người dân đồng ý với cách đặt tên hai quận mới ở huyện Từ Liêm là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Còn lại gần một nửa người dân ở các xã đều cho rằng nên đặt tên hai quân là Từ Liêm và Mỹ Đình.
Đại diện lãnh đạo các xã cũng cho biết, họ đã tổ chức hội nghị để trực tiếp lấy ý kiến từng người dân về "Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội". Bên cạnh lấy ý kiến biểu quyết thống nhất về việc đặt tên, ở các hội nghị người dân cũng đưa ra ý kiến cá nhân của mình về những mong muốn khi từ địa phương của họ từ huyện lên quận.
Tại xã Mễ Trì có 8 thôn, với 7.736 hộ gia đình, UBND xã đã tổ chức 10 hội nghị để lấy ý kiến người dân, nhưng chỉ có 5.690 hộ tham gia hội nghị (chiếm 73.55%), trong đó có 53.2% đồng ý với cách đặt tên 2 quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, 46.8% đề nghị đặt quận Từ Liêm và quận Mỹ Đình. Tại xã Mỹ Đình có 20 thôn với 8.119 hộ gia đình, UBND xã đã tổ chức 25 hội nghị để lấy ý kiến người dân, nhưng chỉ có 6.500 hộ gia đình tham gia hội nghị (chiếm 80.06%), trong đó có 73.7% đồng ý đặt tên 2 quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, 26.3% kiến nghị đặt tên quận Từ Liêm và quận Mỹ Đình. Còn tại xã Cổ Nhuế, có 13 thôn, với 10.126 hộ gia đình, UBND xã đã tổ chức 28 hội nghị, nhưng chỉ có 9.876 hộ gia đình tham gia hội nghị (chiếm 97.53%), trong đó có 99,8% đồng ý với tên của hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
|
Tách huyện Từ Liêm thành Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. |
Trao đổi với PLVN, theo ý kiến cá nhân của Ông Chu Văn Đoàn (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cổ Nhuế) thì Đề án đưa ra việc tách và đặt tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là hợp lý, ông chia sẻ: "Trong quá trình hội nghị thì có nhiều phương án người dân đưa ra, nhưng sau đó thì mọi người cũng đi về thực tế với hai cái tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm vì nó rất rõ ràng là hướng Bắc và hướng Nam. Nhiều người dân đã dùng cảm xúc cá nhân để cắt nghĩa chữ đặt tên cho hai quận, như thế sẽ thiếu tính thực tế. Vì thế mình đồng ý đề án của huyện, để lại Từ Liêm là việc để lại lịch sử, quá trình phát triển của huyện".
Cũng theo báo cáo của các xã, người dân đã đề xuất mong muốn được sự quan tâm từ lãnh đạo đến chất lượng hạ tầng khu dân cư và đầy đủ các dịch vụ sinh hoạt, bổ sung thêm các trường học công lập, khi lên quận. Người dân cũng mong muốn sau khi thay đổi địa danh thì không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các tổ chức và công dân trên địa bàn, có kế hoạch để cấp đổi các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan cho người dân.
Ngày 4/12 website UBND huyện Từ Liêm cũng công bố kết quả lấy ý kiến người dân "Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội". Kết quả cụ thể: với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện là 87.766 hộ dân, trong đó tổng số hộ dân nhận được giấy mời: 87.655 hộ dân (99,87%), số hộ không nhận được giấy mời (do không có mặt tại địa bàn): 111 (0,13%), số hộ dự và tham giá đóng góp ý kiến: 72.406 (82,5%), số hộ nhất trí Đề án: 72.330 (99,9%), số hộ nhất trí tên 2 quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm: 65.473 (90,5%), số hộ đề nghị đặt tên khác của 2 quận (24 cặp tên quận khác nhau): 6.857 (9,5%).
Thực tế nhiều người dân không đồng ý?
Theo ghi nhận của PV báo PLVN, khi được hỏi nhiều người dân ở khu vực đường Cổ Nhuế thì họ cho rằng họ không biết đến cuộc họp nào, bên cạnh đó cũng có một số người tỏ ra không quan tâm. Chị Vũ Thanh Thủy ngõ 347 Cổ Nhuế cho biết: "Tuần qua tôi ở nhà cả ngày nhưng không thấy ai gọi đi họp cả, mãi mấy hôm nay xem tivi mới biết về việc lên quận, chia quận, cũng như đặt tên quận".
Bà N.T.Thái xóm 16, xã Cổ Nhuế cũng chia sẻ: "Tôi cũng không được thông báo lịch họp, chỉ thấy mấy bà hàng xóm bảo đi họp thì tôi cũng đi theo, nhưng lên thì không thấy biểu quyết gì, ngồi một lúc rồi thì về".
Nhiều người dân ở xã Cổ Nhuế cũng không đồng tình với việc đặt tên là quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, vì thường thì chỉ có miền Nam và miền Bắc, giờ chia quận cũng chia thành Bắc và Nam thì không hợp lý. Bên cạnh đó việc chia Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sẽ có sự tách biệt lớn về mặt xã hội của người dân trong quận.
Chị Nguyễn Thị Thùy (Cổ Nhuế) chia sẻ ý kiến cá nhân của mình: "Khi nói đến Nam và Bắc là có nhiều sự khác biệt, như mọi người vẫn hay gọi người miền Bắc và người miền Nam vì cả hai khu vực này người dân đều có những nét văn hóa riêng. Trong khi đó người dân Từ Liêm có từ xa xưa, vì thế tôi đồng ý với việc giữ nguyên Từ Liêm, nhưng tôi không thích gọi nơi tôi ở là quận Nam Từ Liêm".
Bên cạnh đó chị Phạm Thị Lan Hương (đường Phan Bá Vành, thị trấn Cầu Diễn) cho biết quanh khu vực của chị ở, nhiều người dân không đồng ý với việc đặt tên quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Chị Hương cho biết: "Tên cũ quá khi lại lên quận mới, đánh dấu bước thay đổi, hiện đại hơn. Nếu mà đặt tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, thì tôi cũng không thấy khác hơn việc để tên quận Từ Liêm, rồi đặt quận còn lại với một cái tên mới như Mỹ Đình. Vì khi nhắc tới Mỹ Đình thì ai cũng biết, còn nhắc tới Từ Liêm chưa chắc mọi người đã biết Mỹ Đình thuộc Từ Liêm".