Với ranh giới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía Nam và theo địa giới hành chính 364 đã được thiết lập từ năm 1993, quận phía Bắc sẽ có tên gọi là quận Bắc Từ Liêm, quận phía Nam sẽ có tên gọi quận Nam Từ Liêm.
Theo đó, quận Bắc Từ Liêm với quy mô dân số 319.818 người, diện tích trên 4 nghìn ha. Gồm 13 phường, 5 phường giữ nguyên tên cũ là: phường Thượng Cát, phường Liên Mạc, phường Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai. 8 phường được hình thành và tách từ 4 xã cũ có tên mới là: phường Đông Ngạc 1, phường Đông Ngạc 2; phường Cổ Nhuế 1, phường Cổ Nhuế 2…
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ban tuyên giáo huyện Từ Liêm. |
Quận Nam Từ Liêm với quy mô dân số là 233.490 người, diện tích hơn 3 nghìn ha, dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường. Trong đó, 4 phường giữ nguyên tên cũ là phường Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cầu Diễn. 6 phường được hình thành và tách từ 3 xã gồm: phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2; phường Xuân Phương 1, phường Xuân Phương 2…
Ông Nguyên Văn Việt, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm cho biết, dự kiến đến đầu quý 3/2014 bắt đầu thực hiện đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ. Đến nay, huyện Từ Liêm vẫn đang ráo riết chuẩn bị những công việc cần thiết.
Nhiều người dân huyện Từ Liêm tỏ ra hết sức vui mừng khi nghe tin Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về việc mở rộng địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành lập 2 quận mới, nhưng song hành với đó là nhiều nỗi lo về thủ tục giấy tờ khi điều chỉnh địa giới hành chính.
“Các loại giấy tờ tùy thân như Chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe… sổ hộ khẩu, chắc chắn người dân sẽ phải đi làm lại. Lúc đó, sẽ có lực lượng cán bộ, công chức của chính quyền phục vụ nhân dân và người dân sẽ đóng tiền theo mức phí hành chính theo quy định của Nhà nước hiện nay”, ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ban tuyên giáo huyện Từ Liêm cho biết.