Chính quyền giải thích là dân muốn gây áp lực, muốn nhận tiền đền bù ngay nên làm vậy. Có người còn lớn tiếng là làm như vậy là vi phạm pháp luật, là ngăn cản quyền học tập của các em.
Thực sự, cái quyền được học tập của trẻ em, Hiến pháp đã ghi nhận, cụ thể hóa bằng các điều luật nhưng bấy lâu nay cái quyền ấy đâu được coi trọng. Nếu thực sự coi đó là quyền thì đâu cần đến phải hộ khẩu, đúng tuyến và trái tuyến, tuyển chọn đầu vào? Thêm nữa, ai cũng biết là muốn học thì phải có tiền, những khoản đóng góp thay cho học phí được miễn theo hiến định.
Đã có bao nhiêu em phải bỏ học vì không có tiền đóng góp, không ai thống kê điều đó cả vì sợ mất hình ảnh của địa phương mình, của nền giáo dục tự phong là ưu việt. Đến khi cả tỉnh có ngàn em bỏ học thì Giám đốc Sở Giáo dục vẫn coi đó là chuyện “bình thường”. Khi có việc, ví dụ như làm giấy tờ, ra tòa,... mới biết là nhiều người mù chữ, chỉ biết điểm chỉ hoặc biết viết mỗi tên mình. Thật nghịch cảnh, trớ trêu ở một đất nước mà nhiều địa phương tuyên bố đã phổ cập trung học(?!).
|
Các em quanh quẩn ở nhà hoặc rủ nhau ra đồng chơi. (Ảnh: tạp chí Gia đình và trẻ em) |
Trở lại với câu chuyện ở xã Kỳ Hà, đã có nữ giáo viên khóc vì lớp mình chỉ có 3 học sinh đến học. Hình ảnh đó chẳng đau lòng lắm sao và câu hỏi: “Ai gây ra thảm cảnh này” còn ám ảnh nhiều thế hệ. Cái niềm vui được đưa con đến trường thay thế bằng phải cấm con đi học, rõ ràng là một nỗi đau không thể giấu, một việc làm cực chẳng đã của bố mẹ. Thế mà coi đó là áp lực thì quả là suy nghĩ của người quá nhẫn tâm.
Sự quy kết vi phạm pháp luật, ngăn trở quyền học tập của các em trong trường hợp này là quá khiên cưỡng, đạo đức giả, không thể nhận được sự đồng tình của nhiều người. Nếu biết tôn trọng quyền học tập của trẻ em thì việc đầu tiên phải nghĩ tới là làm mọi cách để các em được tới trường chứ không phải là các giải pháp tình thế là không thu các khoản đóng góp hoặc vận động phụ huynh, họ đã đau lắm rồi.
Dân ấm no thì con trẻ được hưởng hạnh phúc trước tiên, bởi những bậc cha mẹ ở một đất nước hiếu học thà nhịn đói cũng cho con học hành thành người. Có thể từ hiện tượng Kỳ Hà này mà chính quyền, ngành giáo dục nghĩ lại cái cách điều hành, quản lý nhà trường hiện nay để đảm bảo một nguyên tắc hiến định: Tất cả trẻ em đều có quyền học tập, đều được đến trường và hưởng một chế độ giáo dục bình đẳng và ưu việt.