Coi chừng 'tiền mất, tật mang' khi tự ý chữa bệnh bằng thuốc nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không ít những trường hợp phải nhập viện cấp cứu, chịu tổn hại sức khỏe nghiêm trọng do tự ý chữa bệnh bằng thuốc nam.
Các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. (Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn)
Các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. (Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn)

Tự uống thuốc nam trị sỏi thận

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cứu sống bệnh nhân suy thận cấp, vô niệu do sỏi niệu quản 2 bên. Theo thông tin, bệnh nhân T.V.M (47 tuổi) có tiền sử sỏi thận, đã phát hiện cách đây khoảng 1 năm, nhưng không nhập viện điều trị, mà ở nhà tự uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trước khi nhập viện khoảng 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi nhiều vùng thắt lưng 2 bên, mệt mỏi, nôn nhiều, không đi tiểu được nên mới đến bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp vô niệu do sỏi niệu quản 2 bên và được phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser. Hiện tại, sau mổ ngày thứ 3, sức khoẻ bệnh nhân đã hồi phục tốt, các chỉ số chức năng trở về bình thường.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một trường hợp tự ý sử dụng thuốc nam dẫn đến nguy kịch. Bệnh nhân là ông N.T.V (52 tuổi, ở Bình Phước) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, khát nước, nguy kịch. Ngay sau khi tiếp nhận, người bệnh được lấy máu khẩn, lập đường truyền, bù dịch, truyền insulin, theo dõi tích cực.

Dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ nhận định ông V. bị biến chứng tăng đường huyết, toan chuyển hóa, viêm tụy cấp thể nặng, có nguy cơ tử vong cao, cần được lọc máu, thay huyết tương cấp cứu. Sau 5 ngày điều trị, các chỉ số cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tiết - Đái tháo đường, tiếp tục điều trị, theo dõi sức khỏe, sau đó xuất viện. Người nhà cho biết ông V. bị đái tháo đường (tiểu đường) loại 2 nhưng tự ý bỏ điều trị theo chỉ định và tự tìm mua thuốc nam theo giới thiệu người quen uống được 2 tháng nay.

Ngoài ra, không ít trường hợp người bệnh đái tháo đường bị biến chứng cấp tính; người bệnh sỏi thận bị suy thận, thận mất chức năng, phải cắt bỏ một bên thận,… do tự ý điều trị bằng thuốc nam. Không chỉ người lớn mà nhiều gia đình đã và đang cho trẻ em sử dụng các loại thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị các bệnh về thận như: Suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận,… gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Có bệnh cần đi cơ sở y tế

Một đơn thuốc nam sắc uống 3 lần mỗi ngày với giá 12 triệu đồng một tháng, là số tiền ông V. phải trả với mong muốn khỏi bệnh. Dù trả số tiền khá lớn nhưng bệnh tình của ông không những không thuyên giảm lại mà còn biến chuyển nặng hơn. Đây là nghịch cảnh “tiền mất, tật mang” mà ông V. và không ít người mắc phải.

Thực tế có nhiều bài thuốc dân gian, cổ truyền đã được các nhà khoa học, giới chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đánh giá, công nhận và được phép lưu hành trên thị trường, có tác dụng tốt đối với người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lại tuỳ tiện sử dụng những cây cỏ tự nhiên để chữa bệnh theo kiểu dân gian, truyền miệng mà không có bất kỳ hướng dẫn hay một phác đồ điều trị nào của bác sĩ dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ thành phần hiện được bán tràn lan ngoài thị trường có thể bị trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể. Điển hình là những năm gần đây đã gặp các trường hợp ngộ độc và tử vong do sử dụng thuốc chữa tiểu đường trôi nổi trộn chất cấm phenformin. Đây là chất bị cấm sản xuất do gây ra hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc. Hiện Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin.

Ngộ độc phenformin rất nguy hiểm, do bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực tỷ lệ tử vong cũng rất cao do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Do đó, để tránh “tiền mất, tật mang” người dân không nên đặt cược sức khoẻ, tính mạng mình vào những bài thuốc trôi nổi, vô căn cứ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi bị bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn. Không nên vì quá sốt ruột với bệnh tình mà nghe lời mách bảo, quảng cáo sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế) để tránh những biến chứng khôn lường.

Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam lưu ý: “Một số người bệnh có suy nghĩ đơn giản về bệnh tật, hễ bệnh là nghe người này, người kia mách, ai mách cũng đến tìm mua thuốc để chữa bệnh, thậm chí họ gặp những người bán thuốc không rõ có phải là thầy thuốc được cấp phép hay không, rồi họ tự mua thuốc về điều trị... Những loại thuốc đó không ai chịu trách nhiệm, không ai bảo đảm về chất lượng, khi dùng thì hiệu quả mang tính may rủi. Đây là nguyên nhân gây nên những hệ lụy lớn, hậu quả rất tai hại cho sức khỏe người bệnh, gây nên nhiều tai biến khi dùng thuốc”.

Đọc thêm