'Cởi trói' cho tranh Hàng Trống

(PLO) - Ngày 31/3, tại Trung tâm Văn hoá Pháp (số 24 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống” của tác giả trẻ Trịnh Thu Trang và nhóm S River.
Diễn giả tham dự buổi ra mắt sách :Hoạ sĩ- Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật Phan Ngọc Khuê, chị Trịnh Thu Trang – tác giả cuốn sách và anh Trịnh Văn Công – thành viên thực hiện dự án.
Diễn giả tham dự buổi ra mắt sách :Hoạ sĩ- Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật Phan Ngọc Khuê, chị Trịnh Thu Trang – tác giả cuốn sách và anh Trịnh Văn Công – thành viên thực hiện dự án.

Cuốn sách là kết quả của quá trình nghiên cứu trong 5 năm (2013 – 2018) của chị Trịnh Thu Trang và nhóm S River, nhằm mục đích giữ gìn, bảo tồn tranh Hàng Trống.

Cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống”
Cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống”

Được thành lập từ năm 2017, nhóm S River hiện gồm 13 thành viên, hầu hết là các bạn trẻ đang theo học chuyên ngành Mỹ thuật, Thiết kế Đồ hoạ. Với sự dẫn dắt của chị Trịnh Thu Trang – Giảng viên trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội, nhóm đã thành công trong việc sưu tầm tư liệu, bóc tách các họa tiết của tranh Hàng Trống và ứng dụng vào các sản phẩm hiện đại như: bao lì xì, ốp điện thoại, sổ tay,…

“Mất một khoảng thời gian rất lâu để có thể số hoá những hoạ tiết truyền thống trong tranh, và ứng dụng nó vào các sản phẩm hiện đại. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang tới một luồng sinh khí mới, mang nghệ thuật dân gian hoà nhập vào cuộc sống”, Người sáng lập nhóm S River - chị Trịnh Thu Trang cho biết.

Tham gia sự kiện ra mắt sách, anh Trần Viết Tuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi khâm phục các bạn trẻ vì họ đã dám xông vào một lĩnh vực khó như tranh Hàng Trống, đồng thời cách tiếp cận của họ rất mới mẻ. Những họa tiết trong tranh dân gian đã được "cởi trói", thay vì bị giới hạn, bó buộc thì giờ đây đã xuất hiện trên các sản phẩm như quần áo, bao bì… Đây là một cách để đưa sản phẩm văn hoá dân tộc trở nên gần gũi hơn”

Trước khi ra mắt cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống”, nhóm S River đã tổ chức thành công buổi triển lãm tranh Hàng Trống “Những điều mới mẻ” vào tháng 1/2018.

Tranh Hàng Trống được biết đến là dòng tranh dân gian có nguồn gốc từ phố Hàng Nón, Hàng Trống. Vào cuối thế kỷ XIX- đầu thể kỷ XX, tranh Hàng Trống phát triển mạnh mẽ, được người dân đón nhận và trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt xưa. Những người làm tranh thường là tầng lớp trí thức, nghệ nhân. Có hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết.

Nét đặc biệt của tranh Hàng Trống là sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Mỗi bức tranh chỉ có duy nhất một ván khắc, tạo thành xương cốt của bức tranh. Sau khi đã có bản in nét hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo bố cục và đường nét.

Theo Hoạ sỹ, Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật Phan Ngọc Khuê: “Điểm đặc biệt của tranh Hàng Trống ở điểm nó đậm tính chất trang trí, cả về hình thức và đường nét, nhưng lại có tính chất tạo hình, phóng khoáng. So với tranh Đông Hồ thì Tranh Hàng Trống mềm mại, không bị gò bó, màu sắc cũng rực rỡ hơn”.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, dòng tranh Hàng Trống đang dần bị quên lãng. Nhiều người trẻ hiện nay thậm chí không còn biết tới sự tồn tại của dòng tranh có tuổi đời gần 400 năm này.

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt:

Mô tả quá trình số hoá hoạ tiết tranh Hàng Trống

Mô tả quá trình số hoá hoạ tiết tranh Hàng Trống

Hoạ tiết của tranh Hàng trống được ứng dụng vào sản phẩm hiện đại như cốc, ốp điện thoại, sổ tay….

Hoạ tiết của tranh Hàng trống được ứng dụng vào sản phẩm hiện đại như cốc, ốp điện thoại, sổ tay….

Sản phẩm mang hoạ tiết tranh dân gian thu hút nhiều lứa tuổi
Sản phẩm mang hoạ tiết tranh dân gian thu hút nhiều lứa tuổi
Hoạ tiết Tranh Hàng Trống được số hoá, trình bày đẹp mắt trong cuốn sách
Hoạ tiết Tranh Hàng Trống được số hoá, trình bày đẹp mắt trong cuốn sách
Chị Trịnh Thu Trang, Giảng viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, tác giả chính của cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống”,
 Chị Trịnh Thu Trang, Giảng viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, tác giả chính của cuốn sách “Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống”,

Đọc thêm