Còn 250 đường dây buôn bán người cần triệt phá

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2011 – 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Trước tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010 (Chương trình 130/CP), thành lập Ban chỉ đạo quốc gia và tổ chức triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2011 – 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quá nửa bị bán sang Trung Quốc

Bộ Công an cho biết sau 5 năm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 130/CP, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em bước đầu đã tạo ra được những chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động.

Phía Trung Quốc bàn giao lại nạn nhân bị buôn bán - ảnh minh họa

Chương trình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ban ngành, các tổ chức xã hội cùng quan tâm, tham gia phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; hàng năm hiệu quả đấu tranh khám phá đã được nâng lên, góp phần kiềm chế sự gia tăng hoạt động của loại tội phạm này.

Trong 5 năm (2004 - 2009), cả nước đã phát hiện 1.586 vụ, 2.888 đối tượng đã lừa bán hơn 4.000 nạn nhân. Trong đó, trên 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% sang Campuchia… Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng tuyến hàng không, đường biển để chuyển các nạn nhân qua Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và cả các nước châu Âu, châu Phi.

Những địa phương xảy ra tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em nhiều nhất thường là các tỉnh miền núi, có đường biên giới đồng thời nhận thức của người dân không cao như: Hà Giang (134 vụ), Lào Cai (105 vụ), Lạng Sơn (95 vụ)…

Tuy đã đạt được những kết quả như vậy, nhưng qua 5 năm thực hiện, Chương trình 130/CP vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém. Những nguyên nhân chủ yếu có thể chỉ ra như tại một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; chỉ đạo còn mang tính hình thức và thiếu biện pháp cụ thể nên hiệu quả đạt được chưa cao. Do đó, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Còn 250 đường dây

Theo điều tra của lực lượng Công an, Biên phòng, hiện nay cả nước còn khoảng 250 đường dây, gồm 679 đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán người, xác định được 51 tuyến và 182 địa bàn trọng điểm trong cả nước mà bọn tội phạm thường xuyên hoạt động.

xử 1 vụ buôn bán người - ảnh minh họa

Lực lượng chức năng cũng lên danh sách hàng nghìn trường hợp phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi không rõ lý do, hơn 250 nghìn phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, gần 20 nghìn trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi và hàng chục nghìn lượt người xuất cảnh trái phép chính là những nguyên nhân, điều kiện dễ phát sinh, phát triển tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Mặt khác, công tác tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng đạt kết quả thấp, đến nay mới phát hiện tiếp nhận gần 60%, còn trên 40% nạn nhân đang ở nước ngoài và mới chỉ có 30% số nạn nhân được tiếp cận kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (mục tiêu đến năm 2010 là 90%).

Năm 2010 là năm kết thúc thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2004 - 2010 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2011-2015 sẽ là bước triển khai những nỗ lực tiếp theo của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, đồng thời cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác này.

Nguyễn Tuấn Anh
(Điều phối viên dự án Quốc gia - Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc UNODC)

Trong 2 ngày 3-4/6, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội thảo khu vực về “Kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người” để tìm hiểu về các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của một số nước trong việc xây dựng và thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng chống buôn bán người. Đây là hoạt động nhằm phục vụ cho việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống buôn bán người (Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo) và nằm trong khuôn khổ Kế hoạch các hoạt động COMMIT Việt Nam năm 2010./.

Đọc thêm