Lần lượt, các sao hạng A Hoa ngữ như Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng bị điều trần vì liên quan đến nghi án trốn thuế. Cũng với hành vi này, trước đó nhiều năm, Lưu Hữu Khánh, ngôi sao hàng đầu Trung Quốc bấy giờ đã bị phạt án tù, mất sự nghiệp. Không chỉ tại thị trường điện ảnh Trung Quốc, một thị trường đầy tiền năng và “đẻ trứng vàng” cho các nhà sản xuất và ngôi sao là Hàn Quốc cũng đang bắt đầu xôn xao với vụ điều tra hành vi trốn thuế với đến hơn 90 cá nhân, công ty trong “tầm ngắm”.
Đây có thể sẽ là một scandal chấn động làng giải trí “Xứ sở Kim Chi” với việc trốn thuế quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi. Trước đó, một số ngôi sao Hàn Quốc khác cũng điêu đứng, sự nghiệp xuống dốc vì trốn thuế như trường hợp của Song Hye Kyo, MC Kang Ho Dong, Kim Ah Joong...
Tại Việt Nam, tuy chưa đến mức nhận những hậu quả như các ngôi sao khu vực, nhưng thời gian qua, không ít ngôi sao hàng đầu đã bị nghi vấn, bị truy thu số tiền thuế không nhỏ. Năm 2015, số tiền truy thu thuế từ các nghệ sĩ “đóng thiếu” lên đến nhiều tỉ đồng. Trong đó, tại TP HCM, 7 nghệ sĩ tên tuổi bị truy thu 4,4 tỉ đồng. Năm 2017, 12 nghệ sĩ đã phải đến cơ quan thuế TP HCM kê khai lại thu nhập đã bị “khai sót”, với số tiền truy thu lên đến 7 tỉ đồng. Đây chưa phải là con số cuối cùng tại TP HCM vì còn khá nhiều nghệ sĩ khác bị phát hiện khai không đúng, được mời nhưng chưa hợp tác.
Chuyện nghệ sĩ kê khai thuế không đúng với thu nhập đã là một sự thật được thừa nhận ngay cả trong giới và cơ quan thuế vẫn luôn đánh dấu hỏi với nhiều nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ, cát xê đêm diễn lên đến hàng chục ngàn USD, nhưng kê khai chỉ vài ngàn USD thông qua hợp đồng với công ty biểu diễn.
Cạnh đó, nhiều nghệ sĩ dùng cách thành lập công ty để đưa mức chi phí “khống” vào làm hạn chế số tiền đóng thuế. Một điều quan trọng là nghệ sĩ có rất nhiều nguồn thu, không chỉ từ biểu diễn và khó mà kiểm soát. Ngoài những đêm diễn tại TP HCM, các nghệ sĩ còn diễn ở tỉnh, diễn hội chợ, đám cưới, tiệc khai trương, sinh nhật và không phải đêm diễn nào trong số đó cũng được thực hiện bằng hợp đồng hẳn hoi, không ít trong số đó là thỏa thuận miệng, nhận tiền mặt.
Ngoài ra còn có những hợp đồng quảng cáo chính thống và các hợp đồng “không chính thống” từ đại diện hình ảnh, quảng cáo truyền hình cho đến những bài viết mang tính giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên trang cá nhân. Đó là chưa kể những lời mời mang tính cá nhân khác như làm mẫu ảnh cho các cửa hàng, đơn vị lớn nhỏ, lời mời tham dự sự kiện có tính phí… Rất nhiều hạng mục có thể kiếm ra tiền, nhưng trả bằng tiền mặt, cơ quan thuế khó lòng mà kiểm soát và thu đúng nếu không có sự tự giác của nghệ sĩ.
Từ hành vi trốn thuế của nghệ sĩ Trung, Hàn, một làn sóng yêu cầu “trách nhiệm xã hội” đang lan rộng từ các khán giả. Khán giả các nước đang yêu cầu các ngôi sao của họ không chỉ có tài năng nghệ thuật mà còn phải có trách nhiệm của một công dân, nghĩa là tuân thủ nghĩa vụ thuế và các trách nhiệm xã hội khác. Có lẽ, với thị trường giải trí Việt, phải chăng cũng cần những lên tiếng, những đòi hỏi như thế để kêu gọi trách nhiệm xã hội, sự tuân thủ pháp luật về thuế một cách chủ động, tự nguyện của những nghệ sĩ?