Bội ước cô dâu trong ngày cưới
Chuyện xảy ra tại làng Gia Cố (xã Yang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số T’Rin. Ở nơi xa xôi cách trở, người T’Rin vẫn còn giữ những tục lệ xưa cũ, đôi khi “phép vua” cũng phải chịu thua lệ làng. Câu chuyện phạt vạ dưới đây được già làng Hà A Yá kể lại là một ví dụ điển hình.
Cách đây 7 năm, ở làng Gia Cố có chàng trai tên A Ring, tuy gầy gò, nước da đen, gương mặt cũng chẳng có gì nổi bật nhưng được cái cần cù, suốt ngày chỉ biết làm lụng. Cũng nhờ chịu thương chịu khó, A Ring được không ít cô gái trong làng ưng cái bụng, muốn bắt làm chồng. Ngày đó A Ring cũng kén, cũng chọn. Anh chàng đắn đo, mình đã xấu, nếu lấy cô vợ kém xinh thì có gì hay ho. Thế là A Ring chọn A Hồng, cô xinh nhất trong đám gái làng để yêu.
Theo tục lệ của người T’Rin, trước khi cưới, A Ring phải đi ở rể suốt một tháng cho gia đình nhà vợ. Anh phải cày cuốc, làm lụng như con trâu của làng. Mạnh khỏe lại siêng năng nên bao nhiêu khổ cực, A Ring chịu tất.
Một tháng ở rể cũng trôi qua và ngày cưới cũng đã đến. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, trước ngày cưới một hôm, A Ring đến nói với già A Yá rằng mình không còn yêu A Hồng nữa nên muốn hủy hôn.
Già A Yá hỏi lý do thì A Ring trả lời rằng trong quá trình đi ở rể nhà A Hồng, anh đã thầm thương trộm nhớ một người con gái khác, không còn thương A Hồng nữa. Tối đến nằm ngủ bên cạnh người vợ tương lai nhưng anh chỉ nhớ đến người con gái đó, vậy nên quyết định bỏ A Hồng để theo đuổi người mình thương thầm trộm nhớ.
Dù được già A Yá khuyên bảo nhưng A Ring vẫn kiên quyết hủy hôn. Nhưng theo tục lệ của làng, A Ring vẫn phải tổ chức đám cưới với A Hồng, nếu muốn bỏ thì tại đám cưới A Ring đưa ra lý do bỏ A Hồng. Sau đó, già làng họp dân làng cùng hai bên họ hàng rồi đưa ra mức phạt vạ đối với A Ring.
Tuy không hài lòng nhưng A Ring vẫn phải làm theo. Ngay ngày hôm sau, đám cưới được tổ chức tại nhà gái, tại đây A Ring tuyên bố không còn yêu và không muốn lấy A Hồng làm vợ.
Theo lời kể của già A Yá, sau khi A Ring tuyên bố không cưới A Hồng làm vợ, cô dâu vì bị sốc nên tháo chiếc vòng đồng vứt xuống đất rồi chạy đi. Người nhà phải thuyết phục mãi cô dâu mới chịu quay về để nghe làng phân xử người đàn ông bội bạc.
“Phải có cô dâu thì buổi phạt vạ mới diễn ra được. Sau khi họp bàn, chúng tôi quyết định phạt vạ A Ring 2 con lợn, mỗi con 50 ký, 2 con gà, 10 ghè rượu cần và 5 mặt mã la. Khi nghe xong, A Ring không chấp nhận vì cho rằng mức phạt quá cao. Tuy nhiên, vì nhà gái không chịu nên chúng tôi giữ nguyên, chỉ giảm bớt được mặt mã la từ 5 xuống còn 2. Như vậy cũng có tình có nghĩa với A Ring lắm rồi”, già A Yá cho biết.
Cũng theo già làng A Yá, vì gia cảnh quá nghèo nên A Ring chỉ vay mượn và nộp phạt được 2 con lợn, 2 con gà, 10 ghè rượu cần. Lễ vật nộp phạt này được chia đôi cho gia đình A Hồng một nửa, một nửa để cúng Yàng (ông Trời) rồi thiết đãi dân làng. Riêng 2 mặt mã la, A Ring hứa khi nào làm có tiền sẽ mua rồi trả sau. Tuy nhiên, ở địa phương được một năm thì gia đình A Ring bỏ làng đi biệt xứ, đến nay vẫn chưa thấy về.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi cưới, A Ring và A Hồng trao nhau chiếc vòng đồng thiêng liêng, đồng nghĩa với việc cả hai đã trở thành vợ chồng, chỉ đợi đến ngày cưới. Thế nhưng trong chuyện tình cảm của con người cũng có nhiều chuyện trái khoáy mà ngay cả những người trong cuộc cũng không thể nào hiểu được.
“Từ ngày dạm ngõ cho đến ngày cưới của người T’Rin diễn ra tùy theo quyết định của hai bên gia đình, nhưng thời gian ở rể là một tháng. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu sao A Ring lại thương cô gái kia mà bỏ A Hồng. Nhưng cuối cùng cô gái kia có chịu A Ring đâu, cô ấy có chồng ở xã bên cạnh rồi. Còn A Hồng cũng đã có chồng ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) sau đó mấy tháng”, già A Yá cho biết.
Độc đáo việc phạt vạ bằng mã la
Chúng tôi thắc mắc việc tại sao A Ring đã báo với già làng rằng mình muốn hủy hôn, nhưng đám cưới vẫn phải diễn ra sau đó, già A Yá liền kể về luật tục độc đáo trong ngày cưới tồn tại từ bao đời nay của người T’Rin nơi đây.
Mã la, một loại nhạc cụ gõ bằng đồng |
Theo đó, hôm trước ngày cưới, nếu một trong hai người không muốn đám cưới diễn ra như dự kiến thì phải tìm đến già làng để trình bày rõ ràng nguyên nhân vì sao. Lúc này, già làng sẽ tìm cách đưa ra những lý lẽ để thuyết phục người này rút lại ý định hủy hôn.
“Nhưng đến cuối cùng người đó vẫn quyết định hủy hôn thì già làng phải có nhiệm vụ đi thông báo trước cho gia đình nhà người còn lại. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ngày hôm sau đám cưới vẫn diễn ra bình thường” già A Yá cho biết.
Đến ngày cưới, họ hàng nhà trai vẫn mang lễ vật đến nhà gái như đã thỏa thuận. Sau tiếng mã la chúc mừng của nhà gái là lễ dâng rượu lên gia đình hai bên và già làng. Tiếp đến, già làng sẽ hỏi chàng trai và cô gái có đồng ý thành vợ thành chồng không. Nếu cả hai đồng ý thì sau phần lễ, mọi người quây quần uống rượu trong tiếng mã la vui nhộn.
“Đám cưới sẽ dừng lại nếu chàng trai hoặc cô gái lên tiếng thông báo là không còn tình cảm với người kia nữa. Ngay lúc này tiếng mã la dừng lại, mọi việc sẽ được giao cho già làng giải quyết. Và một cuộc họp được diễn ra dưới sự chứng kiến của họ hàng hai bên gia đình, người làng cùng với chàng trai và cô gái. Sau đó, già làng sẽ tuyên bố mức phạt vạ như luật tục của người T’Rin từ bao đời nay. Trong lễ vật phạt, thiếu gì thì thiếu, chứ nhất quyết không được thiếu mặt mã la. Đó là điều bất di bất dịch”, già A Yá cho biết.
Khi được hỏi về mặt mã la trong lễ vật phạt vạ, già A Yá cho biết, mã la là vật thiêng của đồng bào mình dùng để đánh vào mỗi dịp lễ hội, cúng kính linh đình trong làng, cũng như lễ cưới của đôi trai gái trong làng.
“Tôi chẳng biết nguyên nhân vì sao người bị phạt vạ phải cống nạp mặt mã la, nhưng tập tục từ bao đời nay nên phải chấp nhận. Theo tôi, mặt mã la không dễ gì kiếm được, với lại giá mỗi mặt mã la gấp hàng chục lần con lợn nên rất có thể đây là sự trả giá cho những người phụ nghĩa phụ tình”, già A Yá cho biết.
Nói rồi, già A Yá lý giải thêm: “Nếu mình đã có cái bụng thương người ta rồi mà đổi ý thì người ta sẽ rất đau khổ, nhất là người con gái sẽ mang nhiều điều tiếng về sau, rất khó tính chuyện chồng con. Đền bù gì đi nữa thì người bị bội ước cũng sẽ dằn vặt mãi về sau và đâm ra lòng thù hận dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Việc phạt mặt mã la là nhằm răng đe những người có ý định bội ước người khác, quên đi tình nghĩa trước đó đã có”.
Theo ông Xa Nga - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Ly, tập tục phạt vạ khi bị bội ước trong ngày cưới là một nét văn hóa độc đáo lâu đời của người T’Rin. Đây là một bài học về đạo lí vợ chồng của ông bà xưa muốn khuyên răng những người trẻ không nên thay lòng đổi dạ, phá vỡ hạnh phúc gia đình.
“Tập tục phạt vạ của đồng bào T’Rin giờ đã được giảm đi nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, những người hủy bỏ hôn lễ thường bị người trong làng khinh rẻ, nhiều người phải bỏ làng đến nơi khác mới mong được sống yên thân”, ông Xa Nga cho biết.