“Chữa bệnh” bằng cách đạp, đập, tát
Vụ việc xảy ra ở ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã gần hơn 3 năm nay nhưng người dân trong vùng vẫn còn nhớ như in từng chi tiết của vụ án bởi từ trước đến nay, ở địa bàn chưa bao giờ xảy ra chuyện khiến nhiều người khiếp sợ đến thế.
Đầu năm 2013, chàng trai trẻ Đoàn Văn Liêm (SN 1988) bỗng ăn nói lảm nhảm, có biểu hiện như bệnh tâm thần khiến cho bố mẹ Liêm rất lo lắng, sợ hãi. Bệnh tình của Liên mỗi lúc một nặng, trong giây phút tỉnh táo hiếm hoi, Liêm nói với cha mẹ là bị ma nhập vì suốt ngày nghe thấy tiếng người nói thì thầm bên tai mình mà không xác định được đó là ai. Liêm yêu cầu cha mẹ mình cho sang nhà ông Lưu Văn Hoàng – tức “cậu” Hoàng (ngụ cùng ấp) chữa bệnh.
Chiều theo ý con, vợ chồng bà Hằng đã đưa Liêm sang cho ông Hoàng chữa bệnh bằng bùa phép. Sau khi “tiếp nhận bệnh nhân”, Hoàng viết chữ bùa lên giấy rồi đốt dầu dừa cùng với tỏi, bông gòn để xông cho Liêm liên tiếp 2 ngày nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Hoàng bảo “nội công chưa thâm hậu” nên không bắt được những “con ma” trong người Liêm ra. Hoàng gọi thêm “viện binh” là người vợ tên Lê Thị Bảy và em vợ tên Lê Thanh Tú tiếp sức cùng “đuổi ma”. Hôm sau vào ngày 30/3/2013, tại nhà “cậu” Hoàng, người đàn ông tên Tú đã đốt nhang quơ lên người của Liêm và nhờ Bảy, ông Sanh và cha mẹ Liêm đè Liêm nằm ngửa trên bộ ván.
Tú lấy đũa cạy răng, liên tục đổ dầu ăn vào miệng Liêm. Liêm giãy giụa và làm gãy một cái răng, phun dầu ăn ra ngoài. Thấy con quằn quại trong đau đớn, nhưng vì muốn con hết bệnh nên cha mẹ Liêm nài nỉ “cậu” tiếp tục điều trị.
Lần này, Tú nhờ Hoàng, Bảy và vợ chồng bà Hằng giữ chặt tay, đè Liêm nằm ngửa trên bộ ván lần nữa cho Tú dùng hai chân nhún mạnh vào lồng ngực rồi bước dần xuống bụng của Liêm. Không chỉ thế Tú còn nhắc đầu Liêm lên, đập mạnh xuống bộ ván nhiều cái, mặc cho Liêm kêu la thảm thiết.
“Chữa bệnh” được một lúc như thế thì sức của Liêm yếu dần. Thấy vậy, “cậu” Hoàng bảo vợ chồng bà Hằng chở Liêm đến thầy khác điều trị. Nhưng chưa kịp gọi xe đưa đi thì Liêm đã trút hơi thở cuối cùng.
|
Các bị cáo gây ra cái chết của anh Liêm đối diện với sự trừng phạt của pháp luật |
Kết quả giám định tố cáo cái chết oan
Ngay sau khi nhận được tin báo Đoàn Văn Liêm chết có nhiều dấu hiệu bất thường, lực lượng chức năng đã đến tận gia đình xác minh, điều tra. Nhưng gia đình khẳng định Liêm chết do bệnh và đã an táng xong xuôi trong khu vườn của gia đình. Rồi sau đó khoảng hơn 2 tháng, mẹ Liêm lại có đơn thư khiếu nại gửi tới cơ quan chức năng đề nghị làm rõ cái chết của con mình.
Ngày 23/5/2013 Phân viện Pháp y quốc gia tại TP. HCM nhận được Quyết định trưng cầu của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Vĩnh Long nhằm làm rõ nguyên nhân tử vong của Đoàn Văn Liêm.
Từ lúc nạn nhân Đoàn Văn Liêm chết và được an táng đến khi cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định đã hơn 2 tháng trôi qua, điều này đồng nghĩa với việc các giám định viên phải khai quật phần mộ và đối mặt với tử thi đang trong thời kỳ phân hủy.
Ngày khai quật phần mộ các giám định viên, người dân ai cũng rùng mình vì sợ và “thấy cảm phục các cán bộ quyết tâm tìm ra công lý, đỡ cho Bé Hai phải chết oan ức, tức tưởi”.
Kết quả giám định tử thi cho thấy, các cơ quan bao gồm phổi, khí quản, tổ chức da cơ dù đã hoại tử sau chết nhưng còn nhận được hình ảnh xung huyết. Tử thi gãy răng số 3 hàm trên bên phải; gãy nhiều xương sườn hai bên (gãy cung trước các xương sườn số II, III, IV, V, VI bên phải, gãy cung trước các xương sườn số II, III, IV, VI bên trái), gãy mũi xương ức.
Kết luận giám định là nạn nhân Đoàn Văn Liêm bị ngoại lực tác động vào nhiều vùng của cơ thể, chết do suy thở hậu quả chấn thương ngực kín gãy nhiều xương sườn hai bên.
Kết luận của cơ quan pháp y đã một lần nữa minh chứng cho lời khai của bà mẹ nạn nhân Đoàn Văn Liêm rằng hai thầy bói dùng đũa bếp cạy miệng Liêm rồi đổ dầu ăn vào (lúc này bệnh nhân giãy dụa và nôn ra dầu ăn và cả một chiếc răng bị gãy, điều này phù hợp với kết luận giám định “tử thi gãy răng số 3 hàm trên bên phải”); rồi sau đó cha mẹ Liêm cùng vợ chồng “cậu” Hoàng đè tay, chân bệnh nhân lại rồi đọc thần chú và Tú dùng chân đạp liên tục vào bụng, ngực đến khi Liêm không còn cử động nữa (phù hợp với kết luận giám định “nạn nhân bị ngoại lực tác động vào nhiều vùng của cơ thể, chết do suy thở hậu quả chấn thương ngực kín gãy nhiều xương sườn hai bên”)...
Vì mù quáng cha mẹ cũng phải chịu án
Với bằng chứng xác đáng căn cứ trên kết quả giám định của Phân viện Viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM, Công an đã triệu tập Lưu Văn Hoàng, Lê Thị Bảy và Lê Thanh Tú lên để điều tra. Cả 3 đối tượng đều thú nhận, bản thân mình không học qua trường lớp y dược cũng như không biết bùa chú là gì nhưng do không có nghề nghiệp ổn định, muốn kiếm tiền bất chính nên mới nghĩ ra trò mê tín dị đoan.
Tháng 8/2013, TAND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo Tú 6 năm tù, Hoàng 4 năm, 6 tháng tù giam và bị cáo Bảy 2 năm tù cho hưởng án treo cùng tội “Hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
Đặc biệt, cha mẹ nạn nhân cũng bị kết án 2 năm tù treo vì đã mù quáng tiếp tay cho các đối tượng giết chết con trai mình, cho dù bà mẹ hết lời thanh minh cho hành động che giấu cái chết của con rằng “nào tôi có biết, thấy con trai một mực đòi đến nhà thầy bùa chữa bệnh, khỏi được thì tốt, không khỏi chỉ mất có vài trăm ngàn đồng nên vợ chồng tôi mới nghe theo, không ngờ cơ sự lại xảy ra thế này.
Sau ngày thằng Liêm chết, tôi như hóa điên hóa dại, có biết ai nói cái gì đâu nên ai bảo gì cũng lắc đầu, chỉ muốn sao cho con mình đã chết mồ yên mả đẹp, thân xác toàn vẹn”.
Người đã chết, án đã tuyên, nhưng với các giám định viên đã trực tiếp thực hiện ca giám định này thì còn rất nhiều những nghĩ suy đọng lại.
Ông Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, giám định viên trực tiếp làm vụ việc này trầm ngâm bày tỏ: “Có đi mới thấy, mê tín dị đoan là một tệ nạn còn khá phổ biến ở miền Tây Nam bộ vì khu vực này có trình độ dân trí khá thấp so với các vùng miền khác. Do đó nhiều người đã chọn nơi đây làm địa bàn để hành nghề bói toán mê tín dị đoan hòng lừa bịp những người dân có niềm tin lạc lối. Rất nhiều người trong số ấy đã “nếm trái đắng” tiền mất mà tật vẫn mang, thậm chí cả mất mạng như trường hợp nạn nhân Đoàn Văn Liêm. Mong rằng, chính quyền sớm có giải pháp để nâng cao dân trí cũng như răn đe, diệt trừ tận gốc nạn mê tín lừa bịp này, đừng để xảy ra những cái chết vì thiếu hiểu biết như vậy nữa”.