“Con cưng” của cuộc chiến không quy ước

(PLO) -Trước khi Mỹ sử dụng quân biệt kích “Mũ nồi xanh” (Special Forces) và Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện, làm cố vấn cho quân nhân Việt Nam thực hiện những phi vụ bí mật thì từ năm 1957 họ đã huấn luyện cho Sài Gòn một lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.
Huấn luyện lực lượng đặc biệt của Liên đoàn Quan sát số 1
Huấn luyện lực lượng đặc biệt của Liên đoàn Quan sát số 1

Liên đoàn quan sát số 1

Năm 1957, chính quyền Eisenhower tài trợ cho quân đội Sài Gòn chương trình bí mật. Theo đó, Trung ương tình báo CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp để thành lập cho quân đội Sài Gòn một đơn vị biệt kích lấy tên là Liên đoàn quan sát số 1, có nhiệm vụ bí mật xâm nhập vào hàng ngũ đối phương nắm tin, chống phá.

Để giữ bí mật, Liên đoàn quan sát số 1 do Ban Nghiên cứu điều hành (thuộc ngành tình báo của Bộ Quốc phòng quản lý), về sau đổi tên là Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Tổng thống Ngô Đình Diệm, do Trung tá đặc vụ Lê Quang Tung làm trưởng phòng.

Năm 1958, cơ quan CIA tại Sài Gòn thành lập Ban Ngoại vụ do Russell Miller, núp dưới vỏ bọc một nhà ngoại giao, làm trưởng ban. Russell lệnh cho Trung tá Tung chọn lực lượng. Ít lâu sau, 12 sĩ quan trẻ cấp bậc từ thiếu úy đến trung úy được điều về và đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Ngô Thế Linh.

Tháng 11/1958, cả 12 sĩ quan trẻ đều được đưa sang Saipan để huấn luyện. Ở đó, họ được CIA huấn luyện hai tháng về nghiệp vụ tình báo, tác chiến, phương thức phá hoại và chỉ huy đường dây tình báo.

Cuối 1958, Đại úy Ngô Thế Linh trở về Sài Gòn và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Bắc Việt (mật danh là Phòng 45), trực thuộc Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, quân số chỉ có hơn chục người. Trong những tháng còn lại của năm 1958, Phòng 45 chuyên lo việc huấn luyện cho nhân viên mới.

Đến giữa năm 1959, một nhóm 5 sĩ quan khác được đưa sang Saipan huấn luyện 6 tuần. Sau đó ít lâu, CIA cử nhân viên đến Sài Gòn huấn luyện hai khóa trong năm, mỗi khóa huấn luyện kéo dài 12 tuần. Lần này, chương trình huấn luyện nhắm vào những sĩ quan trẻ miền Bắc, có gốc là dân tộc thiểu số. Khóa huấn luyện kéo dài đến cuối năm 1959.

Thời gian sau, Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) nhận lệnh phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên, nguyên là một Đảng viên biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ, di cư vào Nam. Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối, dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời. Cuối cùng, sau 6 tháng cộng tác với Edward Reagan, nhân viên của CIA, họ đã thuyết phục Chuyên. 

Điệp viên Phạm Chuyên
Điệp viên Phạm Chuyên

Trong lúc Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì Trung úy Tiên và Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc. Theo kế hoạch, Chuyên sẽ nằm vùng dài hạn ở tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi Chuyên rất quen thuộc.

CIA cho rằng, việc phái Chuyên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là rất hợp lý. Với niềm hứng khởi ấy, hai chuyên viên tình báo bay ra Đà Nẵng tìm địa điểm xuất phát. Họ thuê một biệt thự kín đáo, có tường bao quanh làm mật cứ.

Điệp viên Bắc tiến không tin, không về

Trước khi Chuyên được gửi đi, Phòng 45 quyết định triển khai kế hoạch ngắn hạn: Thả điệp viên đến khu phi quân sự, dọc theo vĩ tuyến 17 để thăm dò. Nhân vật được chọn là Vũ Công Hồng (mật danh là Hirondelle). 

Hồng được huấn luyện cấp tốc và đưa ra sống tại căn nhà được bảo vệ rất nghiêm mật ở Huế. Thiếu tá Trần Khắc Kính có mật danh là Atlantic, người của Phòng Liên lạc Phủ Tổng Thống chỉ đạo mọi hoạt động xuất phát từ Huế. 

Sau khi thả qua sông Bến Hải, vài tuần sau, Vũ Công Hồng trở về căn cứ. Hắn cung cấp một ít thông tin về đường đi nước bước của hệ thống an ninh Bắc Việt, đủ làm cho những nhân viên của Phòng 45 hứng khởi. 

Hai tháng sau, Phạm Chuyên (mật danh Ares) được cử trở về miền Bắc, có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, tuyển mộ thêm điệp viên, chuẩn bị tinh thần lót ổ nằm vùng dài hạn. Theo kế hoạch tạo vỏ bọc ngụy trang, Chuyên sẽ đóng vai một người đánh cá ở một làng nhỏ ở Cẩm Phả, ngay gần vịnh Hạ Long, cũng chính là quê hương của Chuyên trước năm 1958.

CIA tính toán, sự trở về của Chuyên có thể không an toàn, nhưng bù lại Chuyên còn có gia đình, người thân, hy vọng sẽ được che chở. Đầu tháng 4/1961, Chuyên lên tàu Nautilus 1, rời Đà Nẵng, theo hành trình hai ngày về phía Bắc. Không may cho Chuyên do gặp phải thời tiết xấu, chiếc Nautilus 1 đành quay trở về nơi xuất phát; vài hôm sau, khi thời tiết đẹp trở lại, Chuyên mới lên đường. 

Sau khi vào vùng biển Quảng Ninh và rời chiếc Nautilus 1, Chuyên chèo chiếc thuyền nhỏ, đổ bộ lên một địa điểm gần Cẩm Phả, đem đồ đạc, trang bị lên bờ rồi giấu ngay hai máy truyền tin. Sau khi sum họp với gia đình, Chuyên đã cố thuyết phục người em trai là Phạm Độ làm việc cho mình, nhờ người em trai quay máy truyền tin để gửi đi bức mật điện đầu tiên.

Để tránh cho làn sóng bị giao thoa, Phạm Chuyên đánh tín hiệu từ bờ biển miền Bắc Việt Nam, vượt đại dương đến trạm Bugs, với mật mã do CIA đặt cho trạm viễn thông tại căn cứ quân sự ở cảng Subic, Philippin. Từ đó, bức mật điện sẽ được chuyển tiếp đến cơ quan CIA tại Sài Gòn với tên là trụ sở hãng IBM; ct N.C.). Sau này, Chuyên còn gửi thêm 22 bản báo cáo nữa trong một thời gian rất ngắn.

Đúng 9 giờ ngày 8/8/1961, sau hai tháng mất liên lạc, Sài Gòn lại nhận được mật điện của Phạm Chuyên. Ngày 12/1/1962, chiếc Nautilus 1 rời Đà Nẵng mang theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên. Chiếc Nautilus 1 đến vịnh Hạ Long mà chẳng hề gặp bất cứ trở ngại nào, nhưng lạ là Sài Gòn mất liên lạc bằng vô tuyến điện với Phạm Chuyên lẫn Nautilus một cách bí ẩn.

Tiếp đó, vào tháng 9/1961, Phòng 45 cử điệp viên thứ 3 (mật danh Hero) xâm nhập bằng đường biển, về liên lạc với gia đình bị thất bại. Cũng trong tháng 9, điệp viên Hirondelle (Vũ Công Hồng) được lệnh xâm nhập trở lại vùng Hà Tĩnh bằng đường biển, nhưng đã không có liên lạc và cũng không trở về.

Sau nhiều ngày bặt tin về Nautilus 1 và Phạm Chuyên, Phòng 45 cho đóng chiếc tàu Nautilus 2, tuyển mộ thủy thủ từ những người Bắc di cư và huấn luyện tại Đà Nẵng. Ngày 11/4/1962, chiếc Nautilus 2 rời cảng Đà Nẵng, hướng về vịnh Hạ Long.

Hai ngày sau, sáu người trong số 14 thủy thủ đoàn xuống thuyền cao su, chở theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên gồm 7 hòm sắt và 14 thùng carton được bọc kín bằng nilon. Sáu thủy thủ chèo thuyền đến một đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, chất hàng lên đảo rồi chặt cây che lại.

Ngày 2/5/1962, họ gửi tín hiệu chỉ điểm nơi giấu hàng cho Phạm Chuyên. Ít lâu sau, Phạm Chuyên điện báo đã nhận được đồ tiếp tế, kể cả máy truyền tin cùng với máy chụp ảnh 35mm.

Trong năm 1962, danh sách các điệp viên đơn tuyến bị mất tích ngày càng dài thêm. Một điệp viên mang mật danh Triton, xâm nhập vào Hà Tĩnh bằng tàu biển trong tháng 5 cũng biến mất không tìm ra manh mối.

Cuối tháng 5/1962, một điệp viên khác, mang mật danh Athena xâm nhập vùng biển Hà Tĩnh. Điệp viên đó chính là Đặng Chí Bình và đã bị bắt sau khi thi hành một phi vụ ở Hà Nội. Điệp viên mang mật danh Wolf xâm nhập vào vùng phi quân sự, bị mất tích vào tháng 2/1963.

Mùa hè 1963, Phòng 45 chuẩn bị tiếp tế lại cho điệp viên Phạm Chuyên vào ngày 11/8/1963 nhưng không thành công. Một số còn lại trên tàu hốt hoảng khi trông thấy chiếc tàu tuần tiễu của Bắc Việt xuất hiện nên họ dông một mạch về Đà Nẵng. Một lần nữa Phạm Chuyên (Ares) bị nghi ngờ. 

Phù hiệu lực lượng đặc biệt, Liên đoàn Quan sát số 1
Phù hiệu lực lượng đặc biệt, Liên đoàn Quan sát số 1

CIA và Phòng 45 buộc phải vạch kế hoạch xâm nhập miền Bắc bằng đường không. Thiếu úy Lò Ngân Dung, một sĩ quan gốc người dân tộc Thái, ở vùng Lào Cai, có mật danh là Jacques, được phép tuyển mộ lính biệt kích từ Liên đoàn Quan sát số 1. Jacques lập toán đầu tiên gồm ba quân nhân người Mường và một quân nhân người Nùng. Bốn quân nhân trên được bí mật đưa về sống ẩn dật tại một mật cứ ở Sài Gòn. 

Sau nhiều toan tính, cuối cùng CIA lập ra hãng hàng không liên doanh Delaware Corporation với Việt Nam Cộng hòa, lấy tên là “Hãng hàng không Việt Nam” (VIAT). Phương tiện duy nhất của họ là một chiếc máy bay vận tải C47 không số, không phù hiệu đơn vị, do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ, Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Tân Sơn Nhất chỉ huy. 

Sau thời gian huấn luyện, phi hành đoàn chỉ còn lại 5 người do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Riêng phi hành đoàn thứ 2, phi đoàn dự bị, do Trung úy Phan Thanh Vân chỉ huy. Toán biệt kích chuẩn bị thả được mang mật danh Castor, tên của một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, vốn là vị thần đã giúp đỡ Hercules.

Thêm một sự trùng hợp nữa, Castor là tên cuộc hành quân trong năm 1953, khi Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Toán Castor được dự định sẽ phải hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.../.

Đọc thêm