Con dao hai lưỡi

(PLO) -Chỉ mấy ngày nữa, ở nước Anh sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về việc đảo quốc này ra khỏi EU (còn được gọi tắt là Brexit), hay tiếp tục là thành viên của EU. Trưng cầu dân ý là một thủ thuật về chính trị nội bộ để cho cử tri quyết định những chuyện lớn của đất nước, nhưng đồng thời còn là một cách lập pháp được nhiều nước sử dụng, nhiều đến mức độ trưng cầu dân ý bị coi là bị lạm dụng, như ở Thuỵ Sỹ. Cho nên cả trong chuyện tổ chức trưng cầu dân ý này cũng luôn còn là cuộc tranh đấu "ai thắng ai" giữa luật và lệ.
Hình minh họa.

Dùng dằng đi hay ở

Trong hệ thống luật pháp hiện hành của EU có quy định cụ thể về trường hợp một thành viên không còn muốn tiếp tục là thành viên EU nữa, như trong trường hợp Brexit.

Theo luật này thì sau khi có đề nghị chính thức của thành viên liên quan về ra đi chứ không tiếp tục ở lại, EU và chính phủ nước đó tiến hành đàm phán về thủ tục xử lý việc thành viên đó ra khỏi tổ chức chung mà không bàn về việc nước thành viên đó ra khỏi tổ chức chung, thời gian dự định là 2 năm và ngay lập tức, nước thành viên này không còn được tham gia cùng các thành viên khác của EU bàn thảo và quyết định những vấn đề lớn của EU.

Trong trường hợp nước Anh, một khi quyết định Brexit thì nước Anh sẽ bị loại luôn ra khỏi diện những thành viên và đối tác của EU tham gia Thị trường nội địa châu Âu, tức là nước Anh sẽ chịu thấm đòn ngay về kinh tế, tài chính và thương mại.

Luật cụ thể như thế và trong cuộc trưng cầu dân ý tới đây ở Anh về Brexit hay không Brexit, tất cả đều biết rất rõ cơ sở pháp lý.

Luật lệ rất sòng phẳng khi đảm bảo tính tự nguyện tham gia EU, thủ tục quy trình công khai và minh bạch, nhưng đồng thời cũng quy định rất rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên, về quyền hạn và trách nhiệm trong ứng xử và quyết định của các thành viên.

Trưng cầu dân ý- công cụ đấu tranh quyền lực

Nhưng đồng thời trong trưng cầu dân ý, cái lệ luôn thách thức luật. Nếu không dùng luật theo quy trình lập pháp hiện hành để thay đổi luật thì chính phủ và các đảng phái chính trị ở các nước thường sử dụng lệ để lật luật hoặc để hợp pháp hóa cách hiểu và vận dụng luật hiện hành theo hướng và ở mức độ có lợi nhất cho mình.

Ở Thụy Sỹ, trưng cầu dân ý thường do các đảng phái ở phe đối lập khuấy động để gây áp lực với những đảng cầm quyền, dùng lá phiếu của dân để lập pháp chứ không dùng nghị viện.

Ở Anh, thủ tướng Anh David Cameron chủ trương cho tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit không phải vì bản thân ủng hộ Brexit mà vì kỳ vọng đa số cử tri trên đảo quốc không ủng hộ Brexit. Một kết quả trưng cầu dân ý như thế giúp ông Cameron đồng thời đạt được nhiều mục đích, vừa giữ nước Anh tiếp tục ở trong EU vừa vô hiệu hóa được mọi thế lực chống đối và phản đối ở trong đảng cầm quyền cũng như trên đảo quốc đối với chính sách của chính phủ.

Cái lệ ở đây là nấp sau thụ lợi từ sự phán quyết của cử tri, duy trì được thực trạng mà không cần phải sửa đổi hay có luật lệ mới. Trưng cầu dân ý bị chính trị hóavà trở thành công cụ cho đấu tranh quyền lực ở nước này.

Điều ông Cameron không ngờ tới là hiện tại, theo các kết quả thăm dò dư luận ở Anh thì đa số nổi trội cử tri Anh ủng hộ Brexit. Cái lệ sử dụng trưng cầu dân ý lúc này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi.

Brexit sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với cả nước Anh lẫn EU. Việc sử dụng cái lệ đang có nguy cơ trở nên lợi bất cập hại đối với nước Anh và EU.

Nếu kịch bản này xảy ra thì rõ ràng việc sử dụng cái lệ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của phía chủ xướng sử dụng lệ. Trong EU cho tới nay đã diễn ra nhiều cuộc trưng cầu dân ý ở các nước thành viên, nhưng chưa lần nào mang tính quyết định số phận và tương lai của EU như lần này ở Anh.../.

Đọc thêm