Bà Thu Hằng (Hà Tĩnh): Khi con trai lấy vợ, vợ chồng tôi đã tặng cho hai đứa một căn nhà, vừa là của hồi môn đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai đứa được ở riêng. Con trai tôi hay đi làm xa và ít khi có mặt ở nhà con dâu ở nhà thì lại thường xuyên có thái độ không tốt, không hiếu kính, không chăm sóc chúng tôi nên giờ tôi muốn đòi lại căn nhà đã cho hai đứa. Xin hỏi liệu tôi có thể đòi lại được căn nhà hay không?
Việc bố mẹ tặng cho con cái tài sản cụ thể là nhà, đất là một điều diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Và điều này thì cũng được pháp luật quy định và hướng dẫn cụ thể tại Điều 457 và Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015.
Khi mà việc tặng cho đã có hiệu lực tức là việc sang tên ngôi nhà cho con cái đã được hoàn tất thì bên tặng cho hay nói cách khác là cha mẹ sẽ không có quyền đòi lại. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp thì bố mẹ vẫn có quyền đòi lại nếu cảm thấy các con không xứng đáng nhận được tài sản tặng cho.
- Trường hợp thứ nhất: Tặng cho tài sản có điều kiện.
Trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó đó người nhận tặng cho sẽ chỉ được nhận tài sản khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà người tặng cho đã đưa ra trong hợp đồng tặng cho. Những nghĩa vụ đó trong trường hợp này có thể sẽ là việc chăm sóc, phụng dưỡng, hiếu thuận với bố mẹ vợ, bố mẹ chồng hay thờ cúng tổ tiên.
Trong trường hợp trên, người con dâu đã không không thực hiện được nghĩa vụ trên đó là không hiếu thuận, chăm sóc, có thái độ không tốt với cha mẹ chồng, đồng thời trong hợp đồng tặng cho cha mẹ có thêm điều khoản đó thì hoàn toàn có thể đòi lại được căn nhà.
- Trường hợp thứ hai: Hợp đồng tặng cho không có điều kiện nhưng vô hiệu
Điều 117 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Theo đó giao dịch dân sự hay nói cách khác là hợp đồng khi không có đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ bị coi là vô hiệu
Cụ thể trong trường hợp nêu trên, cha mẹ cũng có thể đòi lại căn nhà nếu chứng minh được việc mình tặng cho con cái căn nhà bằng hợp đồng nhưng hợp đồng đó vô hiệu.
Tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự về việc tặng cho bất động sản quy định:
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật….”
Theo đó, nếu hợp đồng tặng cho cho không đúng với hình thức đã được quy định theo quy định trên thì có thể bị coi là một hợp đồng vô hiệu. Nói cách khác nếu hợp đồng tặng cho không được lập bằng văn bản hoặc lập bằng văn bản nhưng không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng đó có thể coi là một hợp đồng vô hiệu. Khi đó hai bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã nhận tức là con cái sẽ phải trả lại ngôi nhà đã được bố mẹ cho.