Bởi “thích” thì cưới?
Rcăm H’Đưng (sinh năm 2003) ở buôn Ơi Khăm, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, em “bắt chồng” khi mới 14 tuổi. Rơ Ô Chương (chồng của H’Đưng) cũng chỉ mới 17 tuổi. Không được đến trường, những ngày đi làm rẫy thuê, H’Đưng “ưng” Rơ Ô Chương. Không có tiền làm đám cưới, hai người dắt nhau về ở trong căn nhà của mẹ H’Đưng. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ chồng không có việc làm, bữa đói, bữa no. Hồi đó, H’Đưng sinh non ở tháng thứ 7, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, đứa trẻ sinh ra chỉ được hơn 2kg.
Điều đáng nói, không chỉ H’Đưng mới lấy chồng khi ở tuổi thiếu niên mà trước đó mẹ H’Đưng cũng “bắt chồng” năm 14 tuổi và có 3 con. Chị của H’Đưng là Rcăm H’Mưng, cũng lấy chồng năm 15 tuổi. Do sức khỏe yếu, H’Mưng đã bị sẩy thai ở tháng thứ 5. Đại gia đình của H’Đưng gồm 9 người ở chung trong căn nhà sàn khoảng chừng 40 m2 mượn của người bà con. Gia đình không có đất ở, chỉ có 1 sào đất trồng sắn. Mùa nương rẫy, cả gia đình tập trung đi cày thuê, cuốc mướn, đến lúc nông nhàn, nhiều ngày đại gia đình H’Đưng phải nhịn đói.
Chị La O Hin (sinh năm 1982), dân tộc Chăm H’roi, buôn Ma Giai (được gọi là buôn cuối xã, còn Đất Bằng là xã cuối huyện Krông Pa, huyện cuối của Gia Lại, giáp Phú Yên - địa bàn đặc biệt khó khăn) mồ côi cha mẹ khi mới 2 tuổi và sống cùng chị gái. Hồi nhỏ, chị gái đào khoai lang trên rẫy nuôi em. Chị Hin chia sẻ, chị không đi học, không biết chữ vì từ nhỏ đã phải ở nhà trông cháu.
Vì nhà nghèo, năm 16 tuổi chị “bắt chồng” chỉ “tốn” 1 con bò. Cứ ngỡ lập gia đình sẽ có cuộc sống mới hạnh phúc, vui vẻ hơn nhưng ngờ đâu đó lại là cái mốc ghi dấu những ngày bất hạnh trong cuộc đời chị. Nợ nần, không thu nhập, con cái nheo nhóc và một người chồng nghiện rượu. Anh chồng cứ rượu vào là về đánh vợ khiến cuộc sống của chị chìm trong nước mắt.
Có những lần chị bị đấm thâm tím mắt mấy ngày vết bầm vẫn chưa tan. Cách đây hai năm, không thể tiếp tục chịu đựng cuộc sống như địa ngục, chị chia tay với gã chồng và món nợ 50 triệu đồng hai vợ chồng vay để nuôi bò trước đó.
Cách đây hơn năm, chị gặp người chồng hiện tại, ông hiền lành, vợ mất và có hai đứa con đã lớn, đều đi làm ăn xa. “Ổng cũng biết quan tâm tôi. Nhưng không tìm hiểu kỹ, ở với nhau rồi mới biết, ổng cũng có món nợ lớn. Giờ tôi đi làm mướn, gom góp lo trả nợ, ngày được 100.000 đồng, nhưng việc ngày có ngày không! Ai có sức khỏe lên núi làm thuê thì cũng được 220.000 - 230.000 đồng/ngày, mình chỉ đủ sức làm mướn tôi. Chịu khó làm thì mỗi năm cũng dành ra được 5 - 7 triệu đồng” - chị Hin cười buồn. “Tôi khổ lắm. Đời mình nghèo, rồi đến con mình cũng vậy! Cố gắng động viên con học nhưng con gái cũng chỉ đến lớp 10 là nghỉ, con trai thì đang học lớp 11”.
Con gái chị cũng theo bước chân mẹ, lấy chồng năm 17 tuổi. Khác với mẹ, “bắt chồng” chỉ mất 1 con bò, con gái chị phải mất tận 3 bò, 1 heo. Ngoài bò, heo, còn phải đưa cả tiền - chị Hin chia sẻ. Tất nhiên số tiền đó chị phải vay nóng rồi làm mướn trả. "Mà buồn lắm, nó cũng chỉ ở rể được 1 năm…". Giờ ở tuổi 40, chị đã là bà ngoại của hai cháu nhỏ.
Ở buôn Ma Giai cũng có nhiều cặp đôi tảo hôn khác. Các “cô dâu 16 tuổi”, nhiều trường hợp cưới từ năm 14 tuổi, gương mặt vẫn ngơ ngác đã địu trên lưng những đứa trẻ còi cọc.
Rơ O Huỳnh, cô dâu mới kết hôn được 6 tháng với nụ cười rạng rỡ và cách ăn mặc khá hiện đại chia sẻ, lúc đi lấy chồng bố mẹ cũng mất một con bò và ít tiền. Nhưng cụ thể số tiền là bao nhiêu thì Huỳnh không biết. Còn Rơ Lan Hằng 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ thó chỉ như đứa trẻ mới qua tuổi 13, 14. Hằng địu trên lưng đứa con 16 tháng tuổi, cũng nhỏ xíu y như mẹ…
|
Chị La O Hin (cầm nón), buôn Ma Giai - Krông Pa. |
Hỏi những người mẹ “nhí” sao không đi học lại lấy chồng sớm thế? Các cô bảo, thích nhau thì lấy thôi. Gia đình hai bên cũng đồng ý, nhưng do không đăng ký kết hôn, nên chính quyền và ngành chức năng khó can thiệp. Tuy nhiên, sau 2, 3 năm lấy chồng, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.
“Bắt chồng” tốn kém nhưng có người làm việc nhà?
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Gia Lai đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa tìm được hướng giải quyết triệt để. Đơn cử, đỉnh điểm năm 2017, tỉnh Gia Lai có gần 1.400 cặp nam, nữ tảo hôn, trong đó 97% là người dân tộc thiểu số và đều nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương.
Tảo hôn dẫn đến nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Tảo hôn, sinh con sớm làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1 - 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi.
Chị A Lê H’Bát, cộng tác viên dân số xã Đất Bằng, huyện Krông Pa chia sẻ: Để người dân hiểu tảo hôn là trái pháp luật và gây nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình, xã hội là cả một vấn đề nan giải. Mặc dù là người địa phương nhưng khi đi vận động, tuyên truyền, chị thường bị bà con xa lánh.
Trong tập quán sinh hoạt của người J’rai ở Tây Nguyên, tục “bắt chồng” được coi là trọng đại nhất trong cuộc đời. Do vậy, dù trong bối cảnh nào, người J’rai vẫn giữ gìn tục “bắt chồng” theo đúng các nghi lễ từ ngàn đời nay.
Lời tỏ tình của người J’rai xuất phát từ tấm lòng của người con gái, bằng hình ảnh tự nguyện như nhận cuốc xẻng hoặc cái áo, cái quần… của người con trai sau ngày làm nương rẫy và mang về nhà. Nếu người con trai đồng thuận thì cặp trai gái đã thực sự mến nhau, tìm hiểu nhau rồi yêu nhau.
Đến thời điểm thích hợp, bên nhà gái nhờ già làng hoặc người có uy tín trong làng để làm mai mối kết duyên thành vợ thành chồng. Ngày “bắt chồng” tuỳ theo đời sống kinh tế của mỗi hộ gia đình, có thể là cặp gà hoặc con lợn và thậm chí là con bò để mang sang bên nhà trai làm lễ có sự chứng kiến của cha mẹ hai bên gia đình và đại diện dòng tộc. Tuy nhiên, ở Krôngpa, các cô dâu muốn cưới chồng phần lớn rất tốn kém, được tính bằng từ 1 - 2 con bò trở lên, tùy theo nhà trai thách cưới.
Có những vùng người J’rai như ở Ayunpa, Ia Pa, Phú Thiện… khi “bắt chồng” bên nhà gái còn mua cả quần áo, chén bát, xoong nồi… cho bên nhà trai. Trước đây, những vật cầu hôn này đắt tiền và tốn kém, do đó để có được những bộ đồ “bắt chồng”, bên nhà gái phải chuẩn bị cả năm để vào rừng tìm sợi rồi về thêu dệt, mỗi bộ có giá trị bằng cả con lợn nái.
Sau buổi lễ “bắt chồng”, người con trai vẫn chưa được quyền về nhà vợ mà phải ở tại nhà rông của làng, có thể là đến 1 - 2 tháng, thậm chí là 3 tháng. Lúc bấy giờ, chú rể đã thuộc về nhà gái, không còn là thành viên trong gia đình nữa nên không được về nhà của cha mẹ mình. Tất cả mọi công việc đều làm cho bên nhà gái. Hàng ngày, vợ đến đưa chồng về nhà ăn cơm rồi cùng nhau lên nương rẫy và tối lại phải ngủ tại nhà rông.
Theo quan niệm của người J’rai, đây là thời gian thử thách đối với người chồng, nếu như một lòng thương vợ thì không vi phạm những điều như uống rượu say, nói xấu bên vợ hoặc có tình ý với người con gái khác… Sau thời gian đó, nếu đủ cơ sở tin tưởng, người con gái mới “bắt chồng” đưa về nhà sống chung với nhau.
127/882 cặp tảo hôn
Huyện Krông Pa là một trong những huyện đứng đầu tỉnh Gia Lai với 127/882 cặp tảo hôn và 01 cặp kết hôn cận huyết; Tỷ lệ DTTS của Krong Pa chiếm tới 70%, Gia Rai, Chăm, Êđê là 03 dân tộc thiểu số lớn nhất nơi đây; Cuộc sống khó khăn, chủ yếu lên nương làm rẫy hoặc những người lớn thường xa nhà đi làm công nhân để tăng thêm thu nhập (số hộ nghèo chiếm 17,9%, cận nghèo là 10,7% nhưng 90% trong số họ là hộ DTTS).
Tình trạng mù chữ/toàn huyện cũng chiếm 11,2% và tỷ lệ bỏ học của trẻ em DTTS cao hơn trẻ em người Kinh, trẻ em gái DTTS cao hơn trẻ em trai DTTS; Thanh, thiếu niên không có cơ hội tiếp cận và nhận các dịch vụ hỗ trợ phòng tránh thai (32,1%); Sinh con ở độ tuổi vị thành niên (10 - 19 tuổi) là 7,7%.
(Báo cáo Sở Y tế tỉnh Gia Lai năm 2022)