Con được sinh bằng phương pháp khoa học ra đời sau khi người cha mất có được hưởng thừa kế của cha?

(PLO) - Vợ chồng chị Nguyệt lấy nhau 8 năm không có con. Sau khi đi khám xét khắp các bệnh viện phụ sản trong Nam, ngoài Bắc, vợ chồng chị được biết “lỗi” là do người chồng nên quyết định lựa chọn sinh con theo phương pháp khoa học bằng cách xin tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của chị...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

...Có điều, vì sĩ diện đàn ông nên chồng chị giấu giếm việc phải xin “con giống”, anh vẫn nói với gia đình là cái thai mang dòng máu của hai vợ chồng. Đùng một cái, anh bị tai nạn qua đời, không để lại di chúc, để lại chị bụng mang dạ chửa.

Đến khi đứa trẻ ra đời, thấy nó rất giống chị mà không có nét dáng nào giống anh nên gia đình nhà chồng nghi ngờ nó không mang giọt máu của anh, thậm chí cho rằng đứa trẻ là do chị ngoại tình mà có. Bất đắc dĩ, chị đành phải nói ra sự thật khiến  gia đình chồng chị “sốc toàn tập” và dứt khoát không tin. Mâu thuẫn xảy ra, mẹ con chị bị đuổi ra khỏi nhà, gia đình chồng chị cũng tuyên bố mẹ con chị sẽ không được hưởng di sản của anh để lại. 

Đau khổ, uất ức nhưng vì quyền lợi của con, chị đã đưa ra các giấy tờ chứng minh đứa con mình được sinh ra theo phương pháp khoa học từ ý nguyện chung của hai vợ chồng, từ khi chồng chị còn sống. Nhưng đứa trẻ được sinh ra sau khi chồng chị qua đời, liệu có được xác định là con chung và có được hưởng thừa kế của người cha hay không?

Về vấn đề chị Nguyệt hỏi, luật sư tư vấn như sau: Theo khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về việc “Sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” thì việc thụ tinh trong ống nghiệm “làm phát sinh các quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự”. 

Theo Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014, kể từ thời điểm chồng chị mất, quan hệ hôn nhân giữa chị và chồng đã chấm dứt. Vì thế, việc xác định cha cho đứa con do chị sinh ra cũng như việc thừa kế của đứa trẻ sẽ bị ràng buộc bởi các quy định sau đây: Trước hết, việc xác định cha cho con chị được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật HN&GĐ 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân… Như vậy, nếu con chị được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chồng chị mất đi thì về nguyên tắc, chồng chị được xác định là cha của đứa trẻ do chị sinh ra.

Trường hợp con chị sinh ra sau 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (thời điểm chồng chị chết) sẽ không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân của chị và chồng chị. Trường hợp này nếu muốn xác định cha cho con chị thì chị phải làm thủ tục xác nhận cha cho con (khoản 3 Điều 102 Luật HN&GĐ 2014). Tuy nhiên, do đứa trẻ được sinh ra do thụ tinh nhân tạo thì đương nhiên áp dụng phương pháp này không khả thi vì đứa trẻ không mang huyết thống của người cha quá cố. 

Vấn đề chị thắc mắc con sinh ra sau khi người chồng mất liệu có được hưởng thừa kế của chồng chị để lại hay không? Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự 2005: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”. Trong trường hợp của chị, nếu việc chị làm thụ tinh trong ống nghiệm tại thời điểm chồng chị còn sống, và đứa con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày chồng chị mất thì mới được xác định là đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và được xác định là con chung của vợ chồng, sẽ được hưởng thừa kế tài sản của chồng chị để lại.

Đọc thêm