Còn ít cán bộ trong Quân đội tham gia cộng tác viên TGPL

 Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được ban hành, Bộ Quốc phòng đã triển khai tuyên truyền phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội. Nhưng hiện vẫn chưa có nhiều cán bộ tham gia cộng tác viên TGPL.

Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được ban hành, Bộ Quốc phòng đã triển khai tuyên truyền phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội. Nhưng hiện vẫn chưa có nhiều cán bộ tham gia cộng tác viên TGPL.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với Luật TGPL, một số văn bản pháp luật liên quan cũng rất được quan tâm, đều được đưa vào Chương trình giáo dục pháp luật năm cho tất cả các đối tượng. Riêng việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (TTLT số 10) còn được làm thành nội dung trong Chương trình hành động của ngành hàng năm. Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật cho đồng bào khu vực biên giới được Bộ đội biên phòng kết hợp với Trung tâm TGPL thực hiện khá thường xuyên và đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân địa phương.

Được Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp 161 Bảng thông tin về TGPL, Hộp tin TGPL, toàn ngành đã niêm yết, lắp đặt 126 chiếc. Tuy nhiên, do người đứng đầu một số cơ quan tiến hành tố tụng còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, nhận Bảng thông tin, Hộp tin TGPL nên chưa tổ chức niêm yết, lắp đặt để người thuộc đối tượng được TGPL hoặc thân nhân của họ tìm hiểu, nghiên cứu.

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL để tiến hành các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về TGPL; chủ động liên hệ để được cung cấp danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên và địa chỉ của họ để phối hợp trong hoạt động; đồng thời tạo điều kiện để Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên làm tốt nhiệm vụ của mình như cấp Giấy chứng nhận bào chữa, thông báo kế hoạch hỏi cung, lịch xét xử, bảo đảm thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu, nhận các quyết định tố tụng, gặp gỡ bị can, bị cáo. Đến nay, chưa có bất kỳ Trợ giúp viên pháp lý hay Luật sư là cộng tác viên bị thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp.

Số lượng vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội thụ lý nói chung và số vụ án có đối tượng thuộc diện TGPL nói riêng không nhiều. Trong hơn 3 năm thực hiện TTLT số 10, tổng số vụ án có hoạt động TGPL là 37 vụ với 87 bị can, bị cáo. Trong đó, có nhiều trường hợp thuộc điểm a, điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự (trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa cho bị can, bị cáo; nếu họ không có điều kiện thuê thì cơ quan tiến hành tố tụng phải mời Luật sư bào chữa).

Đại tá Lê Thanh Trung – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng – cho rằng, quy định này có thể khiến cho những đối tượng quan trọng mà TGPL cần hướng tới là người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số lại không được trợ giúp bởi pháp luật tố tụng không quy định bắt buộc phải có người bào chữa.

Ngành cũng rất khuyến khích cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tham gia cộng tác viên TGPL. Nhưng hiện mới có 14 cán bộ Viện kiểm sát quân sự và 5 cán bộ Tòa án quân sự tham gia cộng tác viên TGPL. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác TGPL của một số cán bộ tiến hành tố tụng cũng như Luật sư là cộng tác viên còn đơn giản và chưa đúng mức. Có những vụ việc, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng chỉ mang tính hình thức, chưa coi trọng việc nghiên cứu, tìm tòi nhằm đưa ra những cơ sở bảo vệ cho đối tượng mà mình được cử trợ giúp.

Song Thu

Đọc thêm