Con nghỉ hè, cha mẹ quản ra sao?

 Từ thời điểm này, nhiều học sinh đã bắt đầu bước chân vào kỳ nghỉ hè. Nhưng, con trẻ có một mùa hè đáng nhớ hay không, điều đó phụ thuộc nhiều vào các bậc cha mẹ. Vì từ những quan niệm nặng nề về học thêm văn hóa mà xem nhẹ sinh hoạt kỹ năng, cho tới sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến việc con em bị lợi dụng..., đã khiến phụ huynh rơi vào tình thế “thương con như thế bằng... mười ghét con”.

Từ thời điểm này, nhiều học sinh đã bắt đầu bước chân vào kỳ nghỉ hè. Nhưng, con trẻ có một mùa hè đáng nhớ hay không, điều đó phụ thuộc nhiều vào các bậc cha mẹ. Vì từ những quan niệm nặng nề về học thêm văn hóa mà xem nhẹ sinh hoạt kỹ năng, cho tới sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến việc con em bị lợi dụng..., đã khiến phụ huynh rơi vào tình thế “thương con như thế bằng... mười ghét con”.

Kỳ 1: Nghỉ hè hay “nhồi sọ”?

“Cậu ơi, cứu cháu với” - tiếng đứa cháu mếu máo qua điện thoại khiến cho anh Đặng Vũ H (ở Linh Đàm, Hà Nội) không yên tâm chút nào. Dù đã 9h tối nhưng anh vội lấy xe lao đến ngay nhà riêng của chị gái mình gần đấy để tìm hiểu nguyên nhân của cú điện thoại cầu cứu.

Ảnh minh họa: Cha mẹ lơ là, con tắm sông. Nguồn: Xomnhiepanh.com.
Hè - học kỳ... thứ ba

Hóa ra một lịch học thêm hè dày đặc vừa được anh chị của anh H “công bố” đã khiến cho con trai họ là cậu bé Nhật Minh (9 tuổi) hoảng hốt đến mức phải gọi điện cầu cứu cậu. “Cầm bản kế hoạch hè do anh chị tôi thảo ra cho thằng bé, đến tôi cũng phát hoảng” - anh H kể lại. Theo tường thuật của anh H, bố mẹ cu Minh vì không muốn con mình chậm lớn so với bạn bè nên đã đăng kí cho thằng bé đi học bơi và võ thuật ở Cung Văn hóa lao động vào thứ Bảy và Chủ nhật. Anh văn thì thằng bé vẫn tiếp tục học chương trình bằng B ở một trung tâm anh ngữ có tiếng trong thành phố. Thời buổi công nghệ hiện đại nên con cái không thể chậm hơn so với người ta, anh chị anh H đã đăng kí cho cậu con học một khóa về Tin học cơ bản được mở trong mùa hè. Nếu bé Minh hoàn thành chương trình sớm, họ sẽ tiếp tục đăng kí cho cháu vào những lớp Tin học ở trình độ cao hơn.

Trẻ em có quyền vui chơi theo luật định

Theo tinh thần của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Luật Bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em của Việt Nam, trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi. Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền của trẻ em trong đó có quyền vui chơi, giải trí đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Anh chị của anh H nghĩ rằng hè là thời gian tốt nhất để học sinh chuẩn bị kiến thức cho chương trình trong năm học mới. Thế nên, lịch học các môn trong chương trình đã được xếp sẵn, gia sư cũng đã liên hệ trước, chỉ vài ngày sau khi bế giảng thì cu Minh sẽ bắt đầu chương trình của năm học mới với các gia sư đầy kinh nghiệm được lựa chọn kĩ càng từ các sinh viên của Đại học Sư phạm. “Hè mà không học thì vào năm học sao nắm bắt được kiến thức ở trường? Chương trình bây giờ nặng và nhiều lắm, tụi trẻ tiếp thu không kịp, mình mà không chuẩn bị cho nó trước thì có vắt giờ lên cổ nó cũng không theo kịp bạn bè được” - chị của anh H đã cự lại như vậy khi anh H vì thương cháu có ý kiến về lịch học quá dày của thằng bé.

Cũng gần giống như tình cảnh của cu Minh, cháu anh H, bé Bảo Anh - một bạn gái học cùng lớp với Minh, thì lại bị mẹ bắt ép đi học đàn piano mặc dù em không thích, mà cũng chẳng có năng khiếu tẹo nào. “Con bé học nốt nhạc vất vả như người ta đi cày vậy, học trước quên sau, xướng âm thì phô giọng hết cỡ. Vậy mà mẹ bé cứ năn nỉ xin cho con gái học tiếp vì “cháu có năng khiếu”, trong khi tôi đã hết lời giải thích, khuyên can” - cô Mai Vân, giáo viên phụ trách một trung tâm đào tạo nghệ thuật ngán ngẩm cho biết. Cách hành xử của mẹ bé Bảo Anh theo cô Vân không những không cá biệt, mà còn khá phổ biến rất nhiều gia đình có điều kiện và ngộ nhận về “tài năng” của con mình. Sự áp đặt của các bậc phụ huynh trong trường hợp này không những không làm phát triển “tài năng” như kỳ vọng mà còn có thể phản tác dụng khi gây ức chế cho con trẻ.

Học giỏi chưa đủ, còn cần phải sống khỏe

Nếu ai hay để ý theo dõi báo đài thì có thể thấy nhưng con số, thông tin về tình trạng trẻ em chết do đuối nước (chết đuối) và bị xâm hại tình dục ngày càng tăng và diễn ra nhan nhản. Loại bỏ yếu tố tai nạn và tội phạm thì thấy rằng, đó cũng là kết cục tất yếu của quan niệm sai lầm trong giáo dục trẻ em, quá chuyên sâu vào văn hóa mà quên dạy con trẻ những kỹ năng tồn tại, kỹ năng nhận biết tối thiểu phải có để tự bảo vệ mình... Thế nên, lời khuyên của các nhà giáo dục dành cho phụ huynh là “học giỏi chưa đủ, còn cần phải sống khỏe”, đừng biến con trẻ thành những con mọt sách lơ ngơ trước biển đời.

Bể bơi Bảo Sơn (đường Nguyễn Chí Thanh, HN) tuy đầu hè nhưng đã đông nghịt trẻ em học bơi cùng các phụ huynh. Bé Nam (6 tuổi) hì hục ngụp lặn, đổi hết thế bơi ếch đến bơi sải, khiến nhiều người lớn tấm tắc vỗ tay khen. Đứng trông con ở gần đó, anh Nguyễn Phúc Hưng, bố bé Nam cho biết: “Chiều nào đón cháu ở lớp học năng khiếu về, tôi cũng đưa cháu đến đây học bơi”.  Giống như anh Hưng, từ vài năm nay, nhiều gia đình ở Hà Nội bắt đầu cho các bé học bơi từ rất sớm, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để phòng chống tai nạn dưới nước. Thậm chí có những gia đình còn muốn cho bé học bơi từ khi mới 4-5 tuổi.

Lớp học diễn thuyết tại một trung tâm kỹ năng sống có trụ sở ở phố Đông Tác, Hà Nội luôn có đông người đăng ký. Theo một phụ huynh trong đám đông người đang đứng đợi đến lượt đăng ký là chị Nguyễn Thái Hà sống ở phố Thái Thịnh thì bé Mai con chị học lớp 3 rồi mà vẫn rất nhút nhát, mỗi lần cô gọi đứng lên kiểm tra bài là khóc, nên hè này chị cho con đi học diễn thuyết để rèn sự tự tin. “Tôi cũng tham khảo nhiều bạn bè rồi, thấy rằng học diễn thuyết khi nói về các chủ đề gia đình, nhà trường, bạn bè, không nhưng tự tin mà con còn biết chia sẻ, biết hướng thiện, biết yêu thương” - chị Hà cho biết.

Nên cho trẻ tập bơi

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có 30 em bé bị chết do tai nạn thương tích, trong đó hơn 10 trẻ em chết đuối. Thế nên việc tập bơi cho trẻ rất quan trọng, trẻ con nếu biết bơi thì khi ngã nước vẫn còn vùng vẫy được 5 phút, đủ thời gian để người lớn đến cứu...

(Cục phó Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

Hạnh Quyên

Đọc thêm