Cần các biện pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

(PLVN) - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…, một số ý kiến đại biểu đề cập đến những hậu quả nặng nề do thiên tai thời gian qua và đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ứng phó.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.

Có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến các nhóm giải pháp đưa ra cho năm 2025, nhất là các nhóm giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Trong thời gian tới, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển xanh.

Cùng với đó, Đại biểu cũng đề nghị cần dành nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026- 2030 xây dựng Đề án chống xâm nhập mặn và Đề án chống sạt lở, gắn với di dân, tái định cư; ưu tiên đặc biệt cho những vùng bờ sông, bờ biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm và an toàn tính mạng của người dân.

“Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa. Không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người như thời gian vừa qua”, Đại biểu nhấn mạnh.

Chung mối quan tâm về tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt.

Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu tại phiên họp.

Ủng hộ việc Chính phủ bổ sung đầu tư ngân sách cho 26 tỉnh, TP phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân, Đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên, quan tâm cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thông qua hợp tác quốc tế.

Phân công các bộ, ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, lập báo cáo về bản đồ, xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để tiến đến phương án quy hoạch, cảnh báo nghiêm ngặt. Nghiên cứu đưa ra những quy chuẩn riêng trong thiết kế xây dựng phù hợp với địa chất, địa hình, địa chất…

Cần rốt ráo tháo gỡ những “điểm nghẽn” để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, trong 2 tháng vừa qua, 2 cơn bão Yagi và Trà Mi đi vào nước ta với những diễn biến đường đi, sức mạnh của bão rất bất thường, phức tạp và khó lường, để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Theo Đại biểu, sau bão đi qua, còn rất nhiều những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, mà Tổng Bí thư gọi đó là “điểm nghẽn” của những “điểm nghẽn” mà Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo rốt ráo hơn nữa, để khắc phục, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu chỉ rõ một số điểm nghẽn. Đó là, các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành nhiều năm, từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn do bão số 3 gây ra.

Do vậy, Đại biểu Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần chủ động đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hộ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.

Cùng với đó, Đại biểu phân tích, bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với tất cả các ngành, lĩnh vực nhưng hiện nay chỉ có chính sách khoanh nợ đối với lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xử lý nợ vay của các đối tượng chính sách, chưa có chính sách khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại tại các ngành, lĩnh vực khác.

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chưa bao gồm các đối tượng khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra do Thông tư còn thời hạn thực hiện nhưng đã hết thời hiệu áp dụng; nhiều khách hàng bị thiệt hại do bão có nhu cầu vay thêm vốn để tái đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Để khắc phục, Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; bổ sung nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn cách thức xác định mức độ thiệt hại xảy ra trên phạm vi rộng, do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng trong đó có tài sản hình thành từ vốn vay để làm cơ sở thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ.

Ngoài ra, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất; cơ chế trục vớt tàu thuyền bị đắm do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng công trình đê chắn sóng, khu vực neo đậu tránh trú bão, các công trình ven biển… đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Đọc thêm