Theo Wall Street Journal, từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã bắt đầu quan ngại về giá bất động sản tăng cao tại một số nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ (Canada), đặc biệt là sau nhiều năm nhu cầu tăng mạnh do lãi suất thấp. Giờ đây, cơn sốt địa ốc trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các chính phủ khắp thế giới “bơm” hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế chống lại tác động của đại dịch và sự thay đổi trong hành vi mua hàng bởi nhiều người phải làm việc tại nhà.
Tại Sydney (Australia), giá bất động sản liên tục lập kỷ lục mới, trong khi nhu cầu vay thế chấp cao đến mức một số nhà băng không thể theo kịp, ông Christian Stevens - cố vấn tín dụng cấp cao tại hãng môi giới thế chấp Shore Financial - cho biết. Trong một số trường hợp, thời gian quay vòng để xử lý các đơn yêu cầu vay thế chấp đã tăng từ vài ngày lên hơn một tháng.
“Mọi thứ thật điên rồ. Chúng tôi chưa bao giờ bận rộn hay nhận được nhiều yêu cầu như thế này. Có vẻ tình hình sẽ chưa thể sớm hạ nhiệt trong thời gian gần”, ông Christian Stevens cho biết.
Còn tại Hà Lan, Mick ten Bosch, chủ một đại lý bất động sản ở Amsterdam cho biết, năm ngoái, ông tiếp tới 450 người muốn xem một căn nhà, trong khi con số trung bình trước đại dịch chỉ là 20. Ông dự báo năm nay sẽ còn bận rộn hơn khi các căn nhà đang được bán với giá cao hơn 15-20%.
Có tiền cũng không dễ mua nhà ở New Zealand
Theo hàng tin Bloomberg, việc chống dịch tốt đang khiến thị trường bất động sản New Zealand nóng hơn bao giờ hết. Thậm chí nhiều nhà môi giới tại đây phải dùng từ “thảm khốc” để nói về cuộc tranh giành các hợp đồng giao dịch nhà.
Cô Femke Burger là một giám đốc bảo hiểm cần tìm mua nhà ở New Zealand và đã phải mất 10 tháng, gặp hơn 100 người khác nhau để có thể chốt được hợp đồng. Bản thân vị giám đốc này đã phải xem tới 60 ngôi nhà và bị từ chối hợp đồng tới 10 lần trước khi thành công mua được căn bất động sản như ý. Thậm chí, cuộc chiến tranh giành mua bất động sản tại New Zealand đã buộc cô phải 4 lần tăng số tiền mua nhà dự tính ban đầu là 700.000 New Zealand dollar (NZD), tương đương 493.000 USD mới có thể hoàn thành hợp đồng.
Câu chuyện của cô Burger khi mua nhà không có gì là khó hiểu. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy New Zealand hiện là một trong những thị trường bất động sản nóng nhất thế giới nhờ chống dịch hiệu quả.
Tương tự, báo cáo của hãng tư vấn Demographia cho thấy thành phố Auckland, nơi tập trung 1/3 dân số của New Zealand hiện là nơi khó mua nhà bậc nhất thế giới. Giá nhà tại New Zealand tăng lên hàng tuần và phá vỡ nhiều kỷ lục. Trong tháng 3/2021, một căn nhà 3 phòng ngủ tối thiểu tại Auckland đã có giá khoảng 5,98 triệu NZD, cao hơn tới 2,6 triệu NZD so với mức giá ước tính của hội đồng địa phương. Đáng ngạc nhiên hơn, một căn nhà gỗ tồi tàn tại Auckland vào tháng 1/2021 cũng có giá lên tới 1,81 triệu NZD, khiến nhiều nhà môi giới phải ngạc nhiên.
Tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản New Zealand đã khiến nhiều người lo ngại về một bong bóng mới như thời kỳ khủng hoảng 2008. Giá nhà tại đây đã tăng hơn 20% trong năm qua tính đến tháng 2/2021, đạt mức bình quân 780.000 NZD cho mỗi hợp đồng.
Tốc độ tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản đang tạo áp lực lớn lên Thủ tướng Jacinda Ardern khi bà vốn là người chống bất bình đẳng giàu -nghèo. Hiện tỷ lệ sở hữu nhà tại New Zealand đã xuống mức thấp kỷ lục 65% kể từ thập niên 1950. Đây là điều hiếm khi xảy ra khi văn hóa sở hữu nhà đã trở thành đặc điểm vốn có của đất nước thưa dân này. Tệ hơn, tổng tài sản của những người sở hữu nhà ở tại New Zealand giàu gấp 14 lần so với những người phải đi thuê, qua đó cho thấy khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ.
Nghiên cứu của Infometrics cho thấy giá nhà bình quân hiện cao hơn 6,7 lần so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại New Zealand. Để đưa mức giá về cân bằng, giá nhà cần giảm 55% hoặc thu nhập bình quân của các hộ gia đình phải được tăng 123%.
Ảnh mnh họa |
Trung Quốc: Bất động sản còn sinh lời hơn buôn bán ma túy
Số liệu chính thức từ 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc cho thấy giá nhà đã tăng trở lại vào tháng 7/2020, dù với tốc độ chậm hơn một chút so với tháng 6. Theo tính toán của Reuters, giá nhà mới tại đại lục tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Thâm Quyến tăng 5,9%.
Michael Wang – một doanh nhân, chia sẻ rằng ông là người giàu nhất trong ngôi làng mình sinh sống ở miền nam Trung Quốc – nơi ông sở hữu một vài nhà máy. Năm ngoái, với mong muốn được Chính phủ hỗ trợ, ông đã mua 2 căn hộ ở Thâm Quyến với giá 95.000 tệ/m2. Mùa hè năm đó, Chính phủ đã công bố một loạt các biện pháp để đưa Thâm Quyến trở thành một thành phố kiểu mẫu. Hiện tại, mức giá của 2 căn nhà kia đã tăng hơn gấp đôi, dù vẫn chưa hoàn thiện.
Wang cho biết: “Đầu cơ vào bất động sản sinh lợi hơn cả buôn ma túy. Thị trường bất động sản của Thâm Quyến sẽ bùng nổ khi nhà nước muốn giá đất ở nơi đó tăng lên và mọi thứ sẽ rung lắc khi nhà nước muốn tác động mạnh”. Wang nói rằng, Chính phủ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất qua việc bán đất và thu thuế. Hơn nữa, xây dựng cũng là một lĩnh vực quan trọng đối với việc làm ở Trung Quốc và đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng đã tăng lên trong năm nay.
Điều kiện tín dụng vốn đã lỏng lẻo – thậm chí được nới lỏng hơn nữa do tác động của đại dịch, cũng là yếu tố đẩy giá bất động sản tại thành phố này. Các văn phòng bất động sản ở Thâm Quyến cho biết việc mua bán được hỗ trợ thông qua các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng là điều bình thường.
Hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy các chính sách khác nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch đã làm tăng giá bất động sản. He Shuxin – một nhân viên ngân hàng ở Thâm Quyến cho biết cô đã giúp khách hàng đăng kí các khoản vay kinh doanh, cung cấp đặc biệt cho các doanh nhân trong thời kỳ khủng hoảng. Họ có thể vay hơn 2 triệu tệ từ ngân hàng, thông qua một công ty “vỏ bọc” để mua đất, nhà.
Tuy nhiên, rủi ro về mức giá bất động sản ngày càng tăng cao từ lâu đã được thừa nhận, thậm chí là ở tầm quốc gia. Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố vào năm 2017 rằng, nhà là để ở chứ không phải đầu cơ.
Ảnh minh họa |
Dân Hàn Quốc ồ ạt đầu cơ… để cho thuê nhà
Theo số liệu tổng hợp của KB Financial Group, giá nhà ở tại Seoul đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, trong khi mức lương của người Hàn Quốc chỉ tăng chưa đến 20%. Điều này khiến cho việc mua nhà ở tại thủ đô trở thành mục tiêu khó đạt được với nhiều người. Trong khi đó, phần lớn bất động sản lại do nhóm đầu cơ nắm giữ.
Năm 2020, mức lương trung bình hàng tháng tại các công ty Hàn Quốc là 3,5 triệu won (3.092 USD). Còn mức giá trung bình của một căn hộ ở Seoul là 1,09 tỷ won (970.000 USD) vào tháng 3/2021, tăng từ mức 607 triệu won vào tháng 5/2017. Trong khi thị trường bất động sản tưởng chừng chủ yếu nóng lên ở Seoul – chứng kiến giá nhà tăng 13% trong năm 2020 thì tình trạng này còn diễn ra ở cả Hàn Quốc với giá căn hộ toàn quốc tăng 9,7%.
Hiện tại, các hộ gia đình Hàn Quốc đi vay nợ rất nhiều, ngay cả trước khi “chạy đua” để mua nhà. Hiện tại, nợ hộ gia đình đã lên tới 175,5% thu nhập khả dụng. Mức tăng này được thúc đẩy bởi các khoản thế chấp để mua hoặc thuê nhà, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát hoạt động đi vay để giảm bớt rủi ro đầu cơ.
Theo Bank of Korean, nếu lãi suất cho vay đối với các khoản nợ hộ gia đình chỉ tăng 8 điểm cơ bản thì tiền lãi phải trả sẽ tăng thêm thêm 370 triệu USD. Khoảng 50% trong số đó là các khoản vay liên quan đến nhà ở. Vấn đề này còn lan rộng sang số tiền đặt cọc mà người dân cần để đi thuê nhà. Tại Hàn Quốc, người thuê nhà cần đi vay để chi trả cho khoản tiền cọc “jeonse” – cho phép họ sống trong căn hộ khoảng 2 năm hoặc lâu hơn mà không phải trả tiền hàng tháng.
Trước tình trạng này, hồi tháng 2, Hàn Quốc cho biết Chính phủ nước này sẽ thúc đẩy nguồn cung nhà ở, khi Tổng thống Moon Jae-in đang nỗ lực kiểm soát tình trạng giá nhà tăng cao và là yếu tố tạo áp lực cho tỷ lệ bầu cử cho ông. Theo đó, Chính phủ sẽ cung cấp thêm 836.000 ngôi nhà, trong đó có 332.000 căn nhà ở Seoul cho đến năm 2025 và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Thông báo này được đưa ra dựa theo các kế hoạch trước đó là cung cấp 1,27 triệu ngôi nhà ở Seoul và các thành phố lân cận. Tháng 1, ông Moon Jae-in đã cam kết đưa ra các biện pháp “mạnh mẽ” để tăng nguồn cung nhà ở vượt qua mức kỳ vọng của thị trường. Cho đến nay, vấn đề về giá nhà ở đã trở thành một trong những “lực cản” lớn nhất đối với sự ủng hộ của công chúng đối với ông Moon Jae-in.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết đề xuất này sẽ trở thành “cú sốc nguồn cung”. Ông nói rằng, 836.000 căn hộ tương đương với nguồn cung nhà ở thông thường trong 2 năm. Đồng thời, ông nhận định “sự gia tăng lớn này” sẽ giúp thị trường ổn định một cách vững chắc và Chính phủ sẽ hành động để trấn an nếu đề xuất này thúc đẩy xu hướng đầu cơ.