Mẹ tôi, sau 9 tháng 10 ngày nặng bụng mang tôi, là vò võ bao đêm chăm chút cho đứa con đỏ hỏn hay khóc, quấy.
Mẹ tôi cũng từng phải bới khoai lang trong nồi cơm độn ăn trừ chỉ vì muốn dành cơm gạo cho mấy đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Để rồi suốt nhiều năm sau, chúng tôi mới biết: Mẹ không thích ăn khoai lang.
Mẹ tôi, bao năm khi chồng con vẫn còn an giấc, khi ấy, trời còn chưa sáng, trăng vẫn tròn đã mang cuốc, liềm ra đồng cấy, cày, gặt, chỉ mong 1 vụ mùa bội thu để gia đình được ăn bữa cơm gạo chẳng có khoai lang.
Mẹ tôi cũng đã từng tranh thủ giữa ban trưa ra con mương cái, dìm mình vào dòng nước thuỷ lợi, tìm từng hang cua, mò từng con ốc để chiều mang ra chợ làng bán, lấy tiền cho con được theo trường lớp học hành.
Nhưng, đôi khi trời chẳng thoả lòng người, có năm hạn hán, nạn rệp nâu, lúa mất mùa, sau vụ gặt chẳng được bao nhiêu thóc, bà ấy lại ra phố, đón công để kiếm thêm thu nhập. Mẹ chẳng qua trường lớp, cũng chẳng được đào tạo ở đâu, nhưng từ việc dọn vệ sinh đến đánh giấy giáp, làm thợ phụ hồ…đều rất thạo khiến hồi nhỏ, mấy chị em tôi vẫn bảo nhau: mẹ thật toàn năng!
Sau này, khi điều kiện gia đình đỡ khó khăn, bắt đầu có của ăn, của để thì công việc của cha tôi gặp biến cố. Con lợn lái của mẹ cũng bị chủ nợ mang đi. Cái ti vi màu nhỏ của hãng Daiwwo thường ngày chị em tôi vẫn xem mấy bộ phim siêu nhân chẳng tránh được số phận giống con lợi lái của mẹ. Năm ấy, bố buồn, nhiều tháng trời chỉ ngồi ở cái tràng kỉ được đặt nơi gian giữa ngôi nhà mái ngói, hút thuốc lào, uống rượu sếch (uống rượu không có đồ ăn) qua ngày, mẹ lại hoá thành “cô tấm” của cả nhà, lam lũ, cặm cụi để một tháng 2 lần, chồng con được ăn 1 bữa thịt lợn má cổ (loại thịt lợn nhiều mỡ).
Ngày tôi lên lớp 10, bắt đầu vào trường trung học phổ thông, thỉnh thoảng cùng mẹ ra đồng mò ốc từ sáng sớm, đến trưa, khi trên trán mẹ lấm tấm những giọt mồ hôi, thỉnh thoảng chảy xuống đuôi mắt đã có nhiều vết chân chim, mẹ lại giục tôi về trước không đói bụng, còn mẹ, tranh thủ mò thêm 1 đoạn nước nữa rồi về sau. Tôi biết, lúc đó, mẹ cũng đói, mệt rồi…
Sau này, khi vào đại học, mỗi cuối tuần về quê, rau lạc của nhà trồng ngoài vườn luôn được mẹ chuẩn bị đủ cho tôi mang ra kí túc xá ăn dần. Mỗi khi về nhà, từng đồng tiền lẻ cũng được mẹ xếp ngay ngắn, dúi vào túi quần tôi trước khi từ nhà ra trường. Tôi biết, những đồng tiền ấy dù khô nhưng thấm đẫm mồ hôi, là công sức, của mẹ.
Đến năm 2014, khi tốt nghiệp trường đại học rồi đi làm, những ngày đầu xin việc khó khăn, người con trai 23 tuổi của mẹ vẫn được bà bao bọc, hàng tháng vẫn gửi tiền chu cấp càng làm tôi thêm cố gắng, thêm quyết tâm chỉ mong sau này, dù mùa hè nắng nóng, trên trán mẹ sẽ chẳng còn lấm tấm những giọt mồ hôi.
Cứ như vậy, bao năm, từ tấm gương lam lũ, cần mẫn của bậc sinh thành, đến nay, khi tài khoản ngân hàng thường có dư, những khi về nhà, chỉ mong mẹ nhận hết những hiếu nghĩa của con cái, nhưng bà luôn từ chối: Cha mẹ già rồi, tiêu gì đến tiền đâu, các con đang phải phấn đấu, giữ tiền sẽ được việc hơn…
Tôi chỉ biết lặng người chẳng thể nói được gì, chỉ mong mẹ, cha luôn mạnh khoẻ để mỗi khi về nhà, được dáng người mảnh khảnh, gầy gò của mẹ đón ở cổng; Chỉ mong được ăn cơm mẹ nấu; Được mẹ hỏi: Mệ không con? Được mẹ kể cho nghe chuyện tình ngày xưa của bố mẹ...
Con cũng ước, giá như lưng con có thể còng, khớp con có thể đau, đầu con có thể buốt… thay mẹ, để mẹ chẳng phải khẽ run vì đau, khẽ nhăn mặt vì buốt và mẹ được thẳng lưng nhìn đứa thơ của mẹ ngày nào giờ đây đã khôn lớn, thành người…. Con yêu mẹ, mẹ ơi!