Công an, Bộ đội biên phòng và NHNN 'bắt tay' chống tiền giả

Cục Phát hành kho quỹ NHNN, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư, Tổng cục an ninh, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 25/10 ký Quy chế phối hợp trong phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả.
Công an, Bộ đội biên phòng và NHNN 'bắt tay' chống tiền giả

Khẳng định, bảo vệ an ninh tiền tệ là cốt lõi trong an ninh kinh tế, trong đó, phòng, chống tội phạm tiền giả là một trong những vấn đề trọng tâm, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Khanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh cho biết, Bộ Công an đánh giá rất cao chủ trương của việc ký kết hợp tác của ba đơn vị chuyên trách thuộc NHNN, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Đây là cơ sở để các đơn vị phối hợp tốt hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất tiêu thụ tiền giả thời gian tới. Lực lượng Công an sẽ tập trung với tinh thần cao nhất, quyết tâm cao nhất và mục đích cao nhất để thực hiện công tác này hiệu quả nhất.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ có hiệu quả Quy chế phối hợp ba bên đã ký kết; tiếp tục cụ thể hóa nội dung, hình thức, cơ chế quan hệ phối hợp giữa các bên trong đấu tranh chống tội phạm về tiền giả bằng các chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, thường xuyên, kịp thời trao đổi các thông tin, tình hình hoạt động của tội phạm về tiền giả, phối hợp chặt chẽ, thực chất, cởi mở trong áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm về tiền giả; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nâng cao trình độ, năng lực cho các cán bộ…

Thông tin từ Bộ Công an, những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm về tiền giả nói chung, ở khu vực phía Bắc nói riêng, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là khu vực biên giới Lạng Sơn. 

Tiền giả Việt Nam đồng có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc, qua biên giới vào nước ta tiêu thụ với độ tinh xảo về chất lượng ngày càng cao, mắt thường khó, thậm chí không thể phân biệt được là tiền giả. Việc phát hiện chủ yếu do công tác nghiệp vụ và công tác kiểm soát ở biên giới, cửa khẩu. Do siêu lợi nhuận từ sản xuất, buôn bán, vận chuyển tiền giả nên tội phạm và phạm vi pháp luật về tiền giả không ngừng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này rất tinh vi, đầu mối cung cấp tiền giả thường là người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, lợi nhuận cao (chi phí chỉ khoảng 15-25%).

Đọc thêm