Hôm qua (3/10), CA TP.Hải Phòng đã ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2012 với thông điệp “Nơi sinh sống của chúng ta - Hành tinh của chúng ta - Trách nhiệm của chúng ta” bằng hàng loạt các hoạt động thiết.
Những hành động thiết thực
Đại tá Nguyễn Văn Coỏng- Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng trăn trở: Theo đánh giá sơ bộ của một số ngành chức năng, Hải Phòng là địa phương chịu nặng nề nhất của cả nước về tác động biến đổi khí hậu. Những hậu quả thay đổi hệ sinh thái do biến đổi khí hậu có thể chưa hiển hiện trực tiếp nhưng những năm vừa qua, Hải Phòng đã phải đối diện với hàng loạt các vấn đề như hệ thống rừng ngập mặn tại các khu vực bãi triều ven sông, ven biển các quận huyện Tiên Lãng, Đồ Sơn, Cát Bà, Cát Hải bị tàn phá, bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Do bị nước mặn xâm thực, rải rác tại các huyện này đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất, sa bồi tại các vùng cửa sông, cửa biển.
Một số vùng nuôi trồng thủy sản ven biển tại các quận Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Cát Bà thường xuyên xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt; cá, tôm thường xuyên bị những bệnh lạ, kéo dài thời gian sinh trưởng, làm sụt giảm cả chất lượng và sản lượng thương phẩm.
Theo đại tá Nguyễn Văn Coỏng, trong những năm vừa qua, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tình trạng vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn cũng được CA Hải Phòng phát hiện với số vụ năm sau nhiều hơn năm trước, tính chất mức độ cũng như phạm vi các vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xảy ra ở hầu khắc các quận huyện nội, ngoại thành. Ngoài ra, người dân một số huyện ngoại thành còn tổ chức đánh bắt thủy hải sản bằng thiết bị kích điện, thiết bị lưới vây của Trung Quốc, những ngư cụ được xác định là công cụ hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Đại tá Coỏng trăn trở, là lực lượng thường trực, hàng ngày, hàng giờ “sờ” thấy môi trường bị “tấn công”, ngoài việc nỗ lực tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, lực lượng CA Hải Phòng còn cần phải có các hoạt động tích cực, thiết thực góp phần từng bước làm thay đổi về “chất” chất lượng môi trường, như tổ chức phát động các phong trào trồng cây xanh tại đơn vị, tham gia vào các chiến dịch làm sạch môi trường trên địa bàn…
Nhân rộng mô hình làm cho thế giới sạch hơn
Trong ngày ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2012, Đoàn thanh niên CA TP.Hải Phòng đã tổ chức trồng hàng trăm cây xanh tại trụ sở trại giam Công An TP Hải Phòng trên địa bàn xã Chiến Thắng, huyện An Lão; thả hàng nghìn cá giống tại sông Đa Độ; thu dọn gần chục tấn rác, chủ yếu là rác thải tự nhiên tại bãi biển Đồ Sơn.
Cùng với thực hiện các việc làm cụ thể, góp phần làm cho môi trường sạch hơn, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường CA TP.Hải Phòng đã tổ chức in, cấp phát tài liệu tuyên truyền về Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2012, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước và các ngành về công tác bảo vệ môi trường đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lương CA TP.Hải Phòng.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP.Hải Phòng cho biết, với việc được cung cấp các tài liệu về tuyên tryền bảo vệ môi trường, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong CA TP.Hải Phòng sẽ là “tuyên truyền viên” tích cực, tham gia cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sinh thái nơi mình đang sống
Đại tá Đỗ Hữu Ca cũng nhấn mạnh, nhằm biến những nhận thức của cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CA TP.Hải Phòng trong việc bảo vệ môi trường thành ý thức tự giác; xác định các hành động duy trì, bảo vệ tái tạo môi trường là các hoạt động thường xuyên để hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Sau khi tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, CA TP.Hải Phòng sẽ vận động đoàn thanh niên, các đơn vị trực thuộc CA TP ký giao ước thực hiện việc bảo vệ môi trường tại các đơn vị, xây dựng phong trào thi đua làm sạch đơn vị, giữ gìn môi trường tại nơi cư trú nhằm đẩy mạnh phòng trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. |
Linh Nhâm