Công an tỉnh Sơn La cảnh báo thông tin sai sự thật về cơ sở chữa bệnh Giang Thị Nhàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công an huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) xác nhận trên địa bàn không có lương y tên Giang Thị Nhàn, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác trước những thông tin quảng cáo sai sự thật về các cơ sở chữa bệnh.
Thông tin quảng cáo về cơ sở chữa bệnh của lương y Giang Thị Nhàn tại huyện Sốp Cộp (Sơn La) là sai sự thật.
Thông tin quảng cáo về cơ sở chữa bệnh của lương y Giang Thị Nhàn tại huyện Sốp Cộp (Sơn La) là sai sự thật.

Theo Công an huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), thời gian qua trên các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin hình ảnh, clip quảng cáo về lương y có tên là Giang Thị Nhàn, cư trú ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La với biệt tài chữa các bệnh về da như nám da, tàn nhang, bằng “bài thuốc Sắc Ngọc Đan rất nổi tiếng”.

Trong các bài quảng cáo, lương y Giang Thị Nhàn (còn gọi là bà Nhàn) được ví như vị cứu tinh của chị em phụ nữ khi nắm trong tay bài thuốc Sắc Ngọc Đan có công dụng điều trị tận gốc các vấn đề về nám, tàn nhang... chỉ sau một liệu trình. Để tăng uy tín, bà Nhàn được giới thiệu có cơ sở khám bệnh tại xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và thu hút rất đông bệnh nhân đến thăm khám, chữa bệnh mỗi ngày.

Trên thực tế đã có một số công dân ở các tỉnh thành khác ngoài Sơn La đến Công an xã Mường Lạn và Công an huyện huyện Sốp Cộp để tìm cơ sở bán thuốc của bà Giang Thị Nhàn và tố cáo sản phẩm thuốc kém chất lượng, yêu cầu bồi thường….

Để làm rõ thông tin trên, Công an huyện Sốp Cộp đã tổ chức kiểm tra, rà soát cư trú thực tế và xác định: không có bất kỳ cơ sở chữa bệnh, bán thuốc nào của người có tên Giang Thị Nhàn được đăng ký kinh doanh, hoạt động trên địa bàn xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp như được quảng cáo trên mạng xã hội. Việc quảng cáo thông tin có người tên Giang Thị Nhàn sinh sống và hoạt động chữa bệnh trên địa bàn xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là bịa đặt, sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận thấy nhu cầu và sự tin tưởng của nhiều người dân về những loại thuốc đặc trị gia truyền, các đối tượng xấu đã đăng tải những thông tin sai sự thật, bịa đặt về lương y và các loại thuốc có công dụng “thần thánh” trên mạng xã hội, từ đó khiến nhiều người đặt niềm tin, sập bẫy lừa đảo, tiền mất tật mang.

Công an huyện Sốp Cộp khuyến cáo: Người dân cần hết sức cẩn trọng với những thông tin quảng cáo trên mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Khi phát hiện các thông tin quảng cáo bịa đặt, sai sự thật thì báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời điều tra, xử lý.

Đọc thêm