Trước đó một ngày, Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng với Luyện về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. CQĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em trai Luyện) về cùng tội danh trên.
Quá trình điều tra, cảnh sát xác định Luyện giữ vai trò chủ mưu, cùng Lĩnh lập ra Công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên có quy mô hơn 2.600 nhân viên. Các đối tượng mua thu gom số lượng lớn đất nông nghiệp tổng diện tích khoảng hơn 600 ha giao cho các cá nhân đứng tên.
Tiếp đó, anh em Luyện tự vẽ 43 dự án không có thật, gồm 28 dự án tại Đồng Nai; 13 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, 2 tại Bình Thuận. Tất cả đất đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... Sau khi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng, tính đến ngày 30/6 Alibaba đã ký hợp với hơn 6.700 người, thu được 2.500 tỷ.
CQĐT nhận định anh em Luyện hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực chất các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử).
CQĐT xác định tất cả các “dự án” do Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như quảng cáo.
“Alibaba không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết”, Công an TP HCM nhận định.
Đối tượng Luyện được xác định giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo trong vụ án |
Sau khi anh em Luyện bị bắt, khởi tố, người dân kéo đến công an tố cáo. Theo thống kê, đến 24/9, Công an TP HCM đã tiếp nhận đơn của hơn 900 người tố giác Alibaba chiếm đoạt hơn 500 tỷ.
CQĐT đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất; các bị hại bị Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ với Phòng 15, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP HCM) hoặc nộp đơn tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan cho công an quận, huyện nơi cư trú để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
CQĐT cũng kêu gọi các nhân viên của Alibaba hoặc có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị can cho CQĐT. Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Về phía Công ty Alibaba, gần một tuần sau khi Luyện và em trai bị bắt, văn phòng của doanh nghiệp này trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP HCM) vẫn mở cửa đón khách. Trong sân và sảnh văn phòng, hầu hết nhân viên của doanh nghiệp này không mặc đồng phục như trước đây. Một nhân viên môi giới cho biết công việc chính trong thời gian này là “nghe điện thoại, trấn an khách hàng và dọn dẹp văn phòng”.
Tại huyện Long Thành (Đồng Nai), hai văn phòng Alibaba ở xã Long Phước nằm mặt tiền quốc lộ 51 và ở xã Phước Thái, được cho là nơi “đóng quân” của các công ty “chân rết” nhiều ngày nay cũng đóng cửa. Bảng hiệu Alibaba treo trước văn phòng đã bị gỡ xuống. Còn văn phòng ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa cũng đã khóa chặt.
Tại xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), văn phòng rộng gần 500m2 của Alibaba đã đóng cửa và buộc xích cẩn thận.