1. Nỗ lực giúp cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, theo nhiệm vụ được phân công tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động thi hành Hiến pháp. Trên cơ sở tham mưu của tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Toàn Ngành đã tích cực, nỗ lực tuyên truyền, phổ biến, tập huấn sâu rộng nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2014, tạo sự lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Bộ Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai tổ chức rà soát và tổng hợp kết quả rà soát hơn 100 ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới; tham mưu Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp nhằm bảo đảm việc cụ thể hóa chính xác, thống nhất và đồng bộ tinh thần và nội dung của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật; đến nay, Hội đồng đã tổ chức cho ý kiến đối với 14 dự án luật quan trọng, như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi), Luật Thi hành tạm giữ, tam giam…
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua số lượng kỷ lục các luật (18 luật, 5 nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật) để tổ chức thi hành Hiến pháp, như: Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiêp (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân…
2. Quốc hội thông qua Luật hộ tịch, tạo bước đột phá về thể chế hộ tịch, tạo nền tảng cho những cải cách trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung
Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật hộ tịch - văn bản đầu tiên ở tầm luật điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch, tạo nền tảng cho cuộc cách mạng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục và các giấy tờ trong đăng ký hộ tịch (giảm từ 46 xuống 25 thủ tục); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiến tới thực hiện đăng ký trực tuyến (từ năm 2020), đồng thời kết nối, chia sẻ thông tin hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; luật hóa tiêu chuẩn của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, nhằm nâng cao năng lực, trình độ và chất lượng đăng ký hộ tịch đáp ứng yêu cầu cải cách.
Luật hộ tịch đã thực sự tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo nền tảng quan trọng đảm bảo quản lý dân cư theo hướng khoa học, hiện đại, phục vụ thiết thực việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng thời điểm Quốc hội thông qua Luật hộ tịch, một sự kiện quan trọng khác cũng diễn ra là: lần đầu tiên Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thông qua Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó xác định giai đoạn 2015-2024 là Thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch của Châu Á - Thái Bình Dương, với cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực hướng tới mục tiêu 100% sự kiện hộ tịch của tất cả người dân đều được đăng ký và thống kê vào năm 2024.
3. Năm đầu tiên Bộ Tư pháp được giao đại diện pháp lý cho Chính phủ và đã bảo vệ thành công liên tiếp 02 vụ kiện đầu tư quốc tế
Để tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó quy định vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp khi tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế tại cơ quan tài phán quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã thực hiện vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ Việt Nam trong giải quyết và giành thắng lợi liên tiếp 02 vụ kiện do nhà đầu tư nước ngoài kiện ra Hội đồng trọng tài quốc tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam bồi thường nhiều triệu đô-la Mỹ. Việc giải quyết thành công 02 vụ kiện này đã chứng tỏ sự nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong tôn trọng và thực hiện cam kết quốc tế; khẳng định chính sách rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước những đòi hỏi vô lý của một số nhà đầu tư thiếu thiện chí.
Thành công này cũng phản ánh sự trưởng thành một bước của đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong quá trình đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
4. Bộ Tư pháp đứng nhóm đầu về ứng dụng công nghệ thông tin
Việc xây dựng, triển khai hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp và phục vụ người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành như: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống Quản lý Văn bản, điều hành và Hồ sơ lưu trữ; Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện, triển khai xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và một số Cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành… qua đó tạo chuyển biến thiết thực cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm tính kịp thời trong hoạt động của Bộ, ngành.
Với những kết quả đạt được, trong năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã được xếp thứ 2/21 các Bộ, cơ quan ngang Bộ về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể. Bên cạnh đó, đồng chí Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp đã được Hội đồng bình chọn giải thưởng CIO/CSO tiêu biểu năm 2014 trao "Giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin và an ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á lần thứ 10 năm 2014" về những đóng góp trong triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin tại của Bộ, ngành Tư pháp.
5. Chế định Thừa phát lại đi vào hoạt động ổn định tại 12 tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm
Thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, từ năm 2010, các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh và đến nay đã đi vào hoạt động nề nếp; tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã giúp người dân thực hiện quyền công dân trong việc lựa chọn và yêu cầu một số dịch vụ pháp lý về: xác minh điều kiện thi hành án, yêu cầu thi hành án, tống đạt giấy tờ của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và lập vi bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nhằm mục tiêu xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại có hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tốt hơn, từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết của Quốc hội, chế định này được mở rộng thí điểm tại 12 địa phương (gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long).
Năm 2014, việc thực hiện mở rộng thí điểm được đẩy mạnh, đến nay, tại 12 tỉnh, thành phố đã thành lập được 39 Văn phòng Thừa phát lại, cơ bản kết thúc giai đoạn thành lập, ổn định và chuyển sang giai đoạn "tăng tốc" hoạt động, được xã hội đón nhận như một loại hình dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
6. Thể chế về công chứng có bước hoàn thiện quan trọng theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch dân sự
Trước yêu cầu thực tiễn hoạt động công chứng, để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân, ngày 20/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật công chứng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Theo đó, công chứng viên được coi là “công lại”, cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đưa công chứng Việt Nam tiệm cận hơn với công chứng thế giới; nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, mở rộng phạm vi hoạt động, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng thông qua chuyển đổi các Phòng công chứng thành các Văn phòng công chứng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với tư cách là thành viên thứ 84 của Liên minh công chứng quốc tế, trong các ngày 12 và 13/12/2014, Hội công chứng thành phố Hồ Chí Minh - đại diện cho các Hội công chứng của Việt Nam lần đầu tiên đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo của Liên minh công chứng quốc tế với chủ đề "An toàn pháp lý giao dịch về đất đai bảo đảm cho sự phát triển bền vững".
7. Công tác xây dựng, ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội
Tiếp theo chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp (tại Phiên họp thứ 20) thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành; thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến bền vững đối với các mặt công tác nêu trên được trình bày, nhận được sự đồng thuận rộng rãi của dư luận xã hội.
Phiên chất vấn đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các Bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Kết quả đã có sự chuyển biến tích cực; tính đến ngày 25/12/2014, trong năm 2014 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành 106 văn bản để thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật; "nợ đọng" thấp nhất từ trước đến nay; chỉ có một thông tư có một nội dung chưa phù hợp với văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn.
8. Thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Xử vi phạm hành chính là công cụ quan trọng quản lý nhà nước, có tính đa dạng, phức tạp, dễ vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Để quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên phạm vi cả nước, ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp.
Đây là cơ quan đầu tiên được thành lập để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước, góp phần gắn công tác tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy xây dựng và thi hành pháp luật trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9. Đẩy mạnh cắt giảm, liên thông thủ tục hành chính - khâu đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh
Tiếp theo việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (ban hành theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ), năm 2014, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá, đặc biệt trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân sinh.
Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg về "Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi"; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh; Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Việc tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các văn bản này đã tạo môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư minh bạch, thông thoáng, khơi thông nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; trực tiếp góp phần giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
10. Bộ Tư pháp có đến 03 cán bộ chủ chốt được luân chuyển về công tác tại địa phương để đào tạo, rèn luyện
Theo quyết định của Ban Bí thư, trong năm 2014 Bộ Tư pháp đã có 03 cán bộ chủ chốt thuộc diện Quy hoạch chức danh lãnh đạo Bộ giai đoạn 2013-2016 được luân chuyển về công tác tại địa phương, giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là lần đầu tiên có đến 03 cán bộ của Bộ Tư pháp được Trung ương lựa chọn, luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, nhiều hơn so với nhiều Bộ, ngành khác. Điều này chứng tỏ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp được thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, đồng thời cũng thể hiện kết quả nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ trẻ của Bộ Tư pháp, góp phần tạo sự phát triển vững chắc của Bộ, ngành Tư pháp trong tương lai.