Về lễ phong vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam

(PLO) - Trích “Hồi ký Song đôi” của nhà thơ Huy Cận - nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, do con trai là anh Cù Thu Anh, hiện công tác tại Bộ Tư pháp cung cấp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Cù Huy Cận, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ (hàng hai, thứ ba từ trái sang) ngay sau Đại tướng và Hồ Chủ tịch cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ chụp ảnh kỷ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Cù Huy Cận, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ (hàng hai, thứ ba từ trái sang) ngay sau Đại tướng và Hồ Chủ tịch cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ chụp ảnh kỷ
Sau chiến thắng lớn của quân dân ta trong chiến dịch Việt Bắc (cuối  năm 1947), Đảng và Chính phủ ta quyết định phong tướng cho một số đồng chí chỉ huy quân sự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân) được phong làm Đại tướng. Tôi còn nhớ rõ không khí phấn khởi và rạo rực của Hội đồng Chính phủ chiều hôm làm lễ phong tướng cho anh Giáp.

Nhân kể lại buổi lễ phong tướng này, tôi lại nhớ sau khi Chính phủ ta quyết định phong tướng, có một nhà báo Pháp phỏng vấn Hồ Chủ tịch qua đài. Ý ngầm của nhà báo này là xỏ xiên, cho rằng ta đã có cơ sở quân sự gì đâu mà cũng phong tướng, phong tá… Nội dung các câu hỏi và đáp, tôi còn nhớ như sau:

Hỏi: Thưa Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch đã có thêm mấy vị tướng giúp việc. Nhân dịp này, xin Chủ tịch cho biết dựa trên nguyên tắc nào mà phong tướng cho các vị chỉ huy?
Trả lời: Tôi xin cảm ơn ông về lời chúc mừng. Còn trên nguyên tắc phong tướng thì cũng giản đơn. Chúng tôi đang đánh du kích chống thực dân Pháp, nên phong hàm quân đội một cách du kích. Ví dụ: Một cán bộ quân đội nào đánh thắng một quan ba thì được phong quan tư. Theo nguyên tắc du kích này (mà chắc ông cũng phải cho là hợp lý) đồng chí Võ Nguyên Giáp của chúng tôi đáng lẽ phải được phong mấy lần đại tướng và đô đốc vì đã thắng nhiều tướng và đô đốc của quân đội viễn chinh Pháp… Cuối cùng, xin chúc ông khoẻ mạnh và dùng ngòi bút của nghề làm báo chân chính làm cho nhân dân Pháp biết rõ thực chất cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” ở Việt Nam.
Điều lý thú là nhà báo Pháp ấy đã đăng nguyên vẹn câu trả lời của Bác và nhiều đài quốc tế đã phát lại câu trả lời đó.
Hội đồng Chính phủ hôm đó họp ở chân đèo, bên cạnh một dòng suối rộng mươi thước, nước chảy trông thấy rất rõ mồn một từng viên sỏi trắng, vàng. Nhà họp của Hội đồng Chính phủ vách bằng liếp nứa mới đan còn thơm mùi tươi, được trang trí đơn sơ, đặt một bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi.
Sau khi một đồng chí trong Hội đồng Chính phủ đọc sắc lệnh về việc phong tướng, Bác đứng lên, đi đến bàn thờ Tổ quốc và cầm cái bằng (ghi việc phong tướng), với một giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân...”, đến đó chúng tôi ai cũng đoán là Bác sẽ tiếp tục bằng giọng văn “chính quy nhà nước” cho hợp với tính tôn nghiêm của buổi lễ… Nhưng không, Bác nói tiếp với giọng có chút nghẹn ngào trong cổ: “Tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân trao cho chú Giáp bằng và chức Đại tướng”. 
Mọi người xúc động cảm thấy sâu sắc Bác là vị cha già, là hồn thiêng của đất nước. Bác nói mà tưởng nghe lời Tổ quốc, non sông, tưởng như nghe tiếng nói của cha ông từ mấy ngàn năm vọng về.
Bác lấy mùi soa gạt nhanh giọt nước mắt, và Bác tiếp: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí. Có những cháu thanh niên, thiếu nhi trong giờ phút hy sinh lại thương tôi mà gọi tên tôi… Chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành cho được độc lập, tự do cho thoả lòng những người đã mất…”. 
Rồi buổi lễ phong tướng trở thành một buổi Bác nói chuyện về truyền thống cách mạng của dân tộc, mà không khí như là: một người ông, xung quanh quây quần con cháu, đang kể sự tích đời xưa, đời nay, mà lời nói như có phép nhiệm màu dựng lên trước mắt cảnh quá khứ và tương lai thu hút mọi người.
Anh Võ Nguyên Giáp chiều hôm ấy bận quân phục, nghĩa là có cái sơ mi ka ki màu cỏ úa, có hai cầu vai mới được may thêm. Bộ Quốc phòng vừa mới thêu cho anh phù hiệu Đại tướng để đeo vào hai cầu vai và ve áo sơ mi. Anh đọc mấy lời tuyên thệ ngắn trước bàn thờ Tổ quốc và Bác ôm hôn anh trong khi toàn thể Hội đồng Chính phủ đứng dậy để nghe lời Bác và chào vị Đại tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà./.

Đọc thêm