Công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

(PLO) - Theo Bộ Quy tắc, Thẩm phán không được sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng; truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực…
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Lễ Công bố.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Lễ Công bố.

Tòa án nhân dân tối cao hôm nay, 21/9, chính thức công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Với 3 chương và 17 điều, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán yêu cầu Thẩm phán phải đáp ứng những chuẩn mực đạo đức bao gồm: Độc lập, liêm chính, vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng, đúng mực, tận tụy và không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần.

Khi thực hiện nhiệm vụ, Thẩm phán phải thực hiện việc giải quyết các vụ việc được phân công đúng quy định của pháp luật; bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết các vụ việc; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đúng nơi quy định; từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật…

Những việc Thẩm phán không được làm gồm: Những việc pháp luật quy định công dân không được làm; tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc.

Thẩm phán không được sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng; truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực…

Theo ông Chu Thành Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý Khoa học, bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán vừa được ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định trong bộ quy tắc không phải là sự sao chép lại các quy định của luật mà là ghi nhận một cách hệ thống những thành tố hình thành lên đạo đức của người thẩm phán, những ứng xử của người thẩm phán phải thực hiện để giữ gìn phẩm giá của mình.

Đọc thêm