Công bố dòng chảy pháp luật kinh doanh: Doanh nghiệp cần 'dòng chảy' ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ví doanh nghiệp (DN) lớn như những con tàu lớn và họ rất sợ những cú “phanh gấp”…
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Vẫn còn “hạt sạn”

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh (PLKD) 2022, được VCCI tổ chức hôm qua (4/4), Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã chỉ ra 5 dòng chảy PLKD chính. Đó là: Các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt; Các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch tiếp tục góp phần giúp DN vượt qua khó khăn; Các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; Hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy; Các chính sách để giải quyết các vấn đề “nóng” vẫn còn nhiều băn khoăn…

Theo VCCI, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại TW đã ban hành 636 văn bản QPPL, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ. So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm.

Theo Chủ tịch VCCI, cách thức ban hành và vận hành PLKD năm 2022 tuy có nhiều cải thiện nhưng đâu đó vẫn còn “hạt sạn”. Đơn cử như năm 2022, có những vấn đề “lớn”, “nóng” trên thực tế cần phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách như giá đất và bỏ cọc của DN trúng đấu giá hay trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nhưng ngay lập tức cơ quan quản lý đã cho ra đời các chính sách điều chỉnh theo hướng siết chặt đối với các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng cách ban hành, cách thực thi chính sách thế nào là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, các DN, nhất là DN có quy mô lớn như những con tàu, không thể phanh gấp được. Do vậy, nên giảm rủi ro pháp lý bằng cách không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách.

Doanh nghiệp cần sự cảm thông, chia sẻ

Rất nhiều dẫn chứng liên quan đến rủi ro pháp lý mà DN phải gánh chịu do quy định không rõ ràng, do thay đổi chính sách… được đại diện Ban Pháp chế VCCI đưa ra khi công bố Báo cáo Dòng chảy PLKD 2022. Hai dẫn chứng được nhắc đến nhiều nhất là đấu giá đất Thủ Thiêm và trái phiếu DN. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI phát biểu: "Có hiện tượng khi gặp sự việc tiêu cực tác động đến thị trường, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý là “siết chặt” đối với các chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh trong khi chưa đánh giá tác động kỹ càng biện pháp này đối với thị trường. Hậu quả của các chính sách này đôi khi còn làm gia tăng thêm sự khó khăn của MTKD, khiến cho chính sách thiếu ổn định, thiếu tính dự báo, trong khi mục tiêu quản lý đôi khi lại không đạt được...”.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, liên quan đến lĩnh vực bất động sản hiện nay có đến 12 luật tác động trực tiếp, để triển khai một dự án cần khoảng 40 con dấu (chưa kể các con dấu con phát sinh sau đó), thời gian phải mất 2 năm. Tuy nhiên, đáng ngại nhất là các văn bản chồng chéo DN “không biết đâu mà lần”.

Dẫn chứng Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt, trong khi đó Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. “Như vậy, chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không biết “con gà có trước hay quả trứng có trước”…” - ông Hiệp băn khoăn.

Theo Chủ tịch VACC, một cái khó của DN hiện nay là trong quy định của các Luật thường thì có một câu “thòng”, đại ý “nếu có các quy định khác thì thực hiện theo luật này”. “Vậy DN theo luật nào? Chúng ta làm Luật rất công phu và tốn kém, nhưng 5- 7 năm lại phải sửa. Đây là vấn đề mấu chốt Báo cáo phải phân tích được cái này” - Chủ tịch VACC đề nghị.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban MTKD và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW), văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. “Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng DN mà cả cơ quan quản lý nhà nước. MTKD thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, DN cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của Chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh…” - bà Thảo nhấn mạnh.

Đọc thêm